Trẻ nhỏ coi một game trên kênh YouTube - Ảnh: DUYÊN PHAN

''Sẽ rất khó khăn khi cha mẹ nghiêm cấm con dùng Internet trong khi bản thân vẫn liên tục truy cập mạng ở nhà. Hãy đưa ra các quy tắc về bàn ăn không thiết bị điện tử, nơi cha mẹ, con cái có thể tương tác trực tiếp, chia sẻ, lắng nghe nhau.

Chuyên gia tâm lý Toàn Thiện''

Ở độ tuổi chưa phân biệt được nội dung lành mạnh - độc hại, đúng - sai, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ trẻ tránh tiêm nhiễm, học theo những video trên YouTube nói riêng và các trang mạng trên Internet nói chung?

Khó kiểm soát chuyện đau lòng

Câu chuyện bé gái V.T.D. (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) tử vong mới đây vì học theo "trò chơi treo cổ" trên YouTube khiến nhiều người đau lòng. Chị Ngô Thị Nguyệt (dì bé D.) cho biết sự việc xảy ra khi cha mẹ bé D. đi làm, bé ở nhà với ông bà ngoại. Trong lúc ông bà không để ý, bé D. vào phòng ngủ rồi lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng và tự treo cổ mình.

Khi gia đình phát hiện thì D. đã bất tỉnh. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu. Tại bệnh viện, bé D. rất nguy kịch, đồng tử giãn, hôn mê sâu, tim đập yếu dần. Sau 4 giờ nỗ lực cứu chữa, bé D. không qua khỏi.

Chị Nguyệt cho biết bé D. xem rất nhiều kênh khác nhau, trong đó có vài lần gia đình phát hiện bé coi những kênh có nội dung xấu, bạo lực. Gia đình khuyên bảo bé tắt, bé cũng vâng lời làm theo. Thế nhưng chỉ vài phút phụ huynh không để ý, bé D. lại dại dột làm theo những gì xem được trên YouTube.

Cũng trong năm nay, 4 em nhỏ ở xã Lang Quán, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc lâm sàng sau khi học theo video nướng cóc trên YouTube.

Năm ngoái, cháu Đ.T.K. (7 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng bị hôn mê vì làm trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được", còn một bé khác bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính như siêu nhân nhện trên YouTube.

Trong thời buổi công nghệ kỹ thuật số, việc trẻ nhỏ tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh vô cùng dễ dàng, trong khi phụ huynh thường có xu hướng "giao phó" điện thoại thông minh, máy tính bảng cho trẻ, mặc con "khám phá" thế giới qua những video, trò chơi.

Đáng lo ngại hơn khi hiện nay có nhiều video không lành mạnh, dùng từ ngữ thô tục, các trò thử thách gây sốc để "câu view" (tăng lượt xem)… lại xuất hiện nhan nhản trên YouTube và các trang mạng xã hội.

Cha mẹ là lá chắn

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện (Bệnh viện Nhi đồng thành phố) cho biết người có thời gian sử dụng Internet quá 38 giờ/tuần cho mục đích không liên quan đến học tập hay làm việc, gây ra những hậu quả tiêu cực cho bản thân có thể xem là bị lệ thuộc vào Internet.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi một người dùng Internet quá nhiều có thể gây ra rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu, nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến. Đặc biệt, trẻ em thường bị thu hút bởi các yếu tố mới lạ, thích bắt chước làm theo. Nếu cho trẻ em dùng Internet không có kiểm soát có thể đưa đến tình trạng trẻ bắt chước các nội dung xấu trên mạng làm ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Các trò chơi online, đặc biệt là game nhập vai cũng thu hút rất nhiều trẻ vị thành niên vì nó cho phép người chơi cơ hội thể hiện mình qua các nhân vật ảo. Khi thực hiện thành công các thử thách trong game sẽ đem đến cho game thủ cảm giác thỏa mãn có thể cũng là một hình thức bù đắp lại những thất bại trong học tập, cuộc sống.

Ngoài ra, nhiều trẻ cũng chịu áp lực đồng đẳng từ nhóm bạn bè khi tham gia trò chơi, mạng xã hội để chia sẻ các chủ đề chung khi thảo luận, tương tác cùng nhau. Các thanh thiếu niên kém tự tin cũng hay có tình trạng lạm dụng Internet.

Theo chuyên gia tâm lý Toàn Thiện, gia đình chính là "thành trì" bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ tiêu cực từ việc sử dụng Internet. Trước tiên, cha mẹ cần hướng dẫn con cái cách dùng Internet hiệu quả và khoa học.

Trẻ em cần được trang bị các kỹ năng để tự bảo vệ mình trên không gian ảo cũng như sử dụng Internet một cách khôn ngoan. Phụ huynh nên thiết lập thời gian biểu cụ thể và nêu gương cho con cái trong việc cân đối thời gian học tập, làm việc, sinh hoạt, sử dụng mạng Internet.