Nếu bỗng có 6 biểu hiện này và tần suất nhiều hơn 4 lần thì rất có thể, con bạn đang có xu hướng trầm cảm. Cha mẹ cần sớm phát hiện và có biện pháp hỗ trợ con, đừng để mọi chuyện trở nên tồi tệ:

1. Đứa trẻ bắt đầu phản kháng, không muốn nói chuyện với cha mẹ và đối đầu với cha mẹ về mọi thứ. Có vẻ như trẻ đã đến giai đoạn nổi loạn nghiêm trọng. Trẻ sẽ mất bình tĩnh vì những điều nhỏ nhặt nhất, những điều không xảy ra theo ý mình và thậm chí thường xuyên bỏ nhà đi. 

2. Dù là cuối tuần hay ngày lễ, trẻ luôn thích ở trong phòng một mình. Trẻ không muốn giao lưu với các bạn cùng lớp, cũng không muốn gặp gỡ bạn bè mới.

3. Thường xuyên có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn nhưng không phát hiện được vấn đề gì về sức khỏe.

4. Điểm số của trẻ đột nhiên tụt giảm mạnh, trẻ mất hết hứng thú học tập.

Ảnh minh họa

5. Tâm trạng thất thường, hay ném đồ đạc, thậm chí hay gãi, cào và có những hành vi tự làm tổn thương bản thân khác.

6. Trẻ nghĩ mình không thể làm tốt được việc gì, luôn thấy ghét và muốn rời bỏ môi trường sống hiện tại, ảo tưởng về việc được sống ở thiên đường.

 

Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, có những hành động của cha mẹ hoặc những người xung quanh có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của con, là nguyên nhân dẫn đến con bị trầm cảm. Theo đó, có 6 tình huống tiêu cực sau dễ khiến trẻ mắc phải bệnh tâm lý.

1 - Kỳ vọng quá mức vào chuyện học tập của trẻ, dẫn đến trẻ bị stress. Nhiều cha mẹ còn hay so sánh con mình với con người ta, chê con dốt nát, chậm tiến.

2 - Tùy ý đánh mắng, trút giận lên con. Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Việc cha mẹ thường xuyên đánh mắng có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ.

3 - Không giao tiếp với con cái. Khi trẻ gặp chuyện buồn, cha mẹ bận rộn với công việc mà bỏ qua những vấn đề trẻ gặp phải thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của trẻ.

4 - Giễu cợt, công kích trẻ. Nhiều cha mẹ khi thấy con mắc sai lầm thì "hồn nhiên" giễu cợt con. Cha mẹ nếu không chú ý đến ngôn từ của mình thì sẽ để lại bóng ma tâm lý cho con.

5 - Bị bạo lực mạng. Một số trường hợp, trẻ mâu thuẫn với bạn bè và bị công kích tập thể trên mạng xã hội. Sức tàn phá của ngôn ngữ Internet là không thể coi thường. 

6 - Gạt bỏ ước mơ của trẻ. Khi thấy con mơ ước điều gì đó có vẻ xa vời, nhiều cha mẹ thường phũ phàng dập bỏ bằng những ngôn từ gây tổn thương, chẳng hạn như: "Liệu mà học đi, đừng có những ước mơ viển vông nữa", "Mơ mộng cho lắm vào rồi học dốt";... Thay vì dập tắt, cha mẹ nên đáp lại con bằng sự động viên, hỗ trợ, để ước mơ của con được trọn vẹn và con sẽ nỗ lực hơn nữa.