Chị C (ở Hải Phòng) là một trong những bệnh nhân hiếm muộn may mắn tìm được con sau nhiều lần IUI (bơm tinh trùng vào tử cung) thất bại. Được chẩn đoán béo phì, thừa cân, lại gặp tình trạng trạng buồng trứng đa nang, thời gian hiếm muộn của vợ chồng chị C kéo dài đến 18 năm. Mọi hy vọng tưởng chừng như biến mất thì cuối cùng may mắn đã đến với gia đình chị. Đặt cược vào lần chữa trị này, sau 35 ngày kích trứng liên tục, chị đã có những nang trứng phát triển. Vẫn lựa chọn phương pháp IUI, cuối cùng, vợ chồng chị cũng đón được một bé trai.

Đó chỉ là 1 trong số những câu chuyện mà ThS.BS Hoàng Thị Thu Hà, Chuyên gia hỗ trợ sinh sản bên trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Phòng khám sản phụ khoa Hoàng Hà, chia sẻ về những trường hợp khó khăn trong chuyện con cái do gặp vấn đề về buồng trứng. Theo BS Hà, béo phì có mối liên quan với bệnh buồng trứng đa nang ở phụ nữ.

ThS.BS Hoàng Thị Thu Hà, Chuyên gia hỗ trợ sinh sản bên trung tâm hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Phòng khám sản phụ khoa Hoàng Hà.

Một số ca bệnh khác được BS Hà chia sẻ là trường hợp hai chị em ruột. Cả hai đều bị đa nang buồng trứng với kinh nguyệt không đều, chuyện con cái cũng bị chậm trễ. Sau thời gian dùng thuốc, kích trứng kéo dài và thực hiện phương pháp IUI, cả hai đều đã có thai.

Qua những câu chuyện kể trên, BS Hà muốn nhấn mạnh đến ảnh hưởng của hội chứng buồng trứng đa nang đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết phổ biến của phụ nữ tiền mãn kinh trên toàn thế giới và được đặc trưng bởi các bất thường về hệ thống sinh sản, nội tiết và chuyển hóa. Hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ không chỉ giảm khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.

Dưới đây là những chia sẻ của BS Hoàng Thị Thu Hà về hội chứng buồng trứng đa nang và làm sao chẩn đoán được hội chứng này để có phác đồ điều trị phù hợp.

Tiêu chuẩn để chấn đoán một người bị hội chứng buồng trứng đa nang

Theo sự đồng thuận tại Hội nghị về sinh sản tại Rotterdam năm 2003 và 2007 có sửa chữa thì một người được kết luận mắc hội chứng buồng trứng đa nang nếu có 2/3 yếu tố sau:

1. Có chu kỳ kinh nguyệt rối loạn: Kinh nguyệt thưa (>35 ngày) hoặc vô kinh.

2. Có buồng trứng cường androgen với dấu hiệu rậm lông, mụn trứng cá, béo phì dạng ngang (bụng to, chân tay nhỏ)...

3. Một số chỉ số cận lâm sàng như chỉ số nồng độ testosterone cao, chỉ số DHEA (một loại hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận) cao...

Ngoài ra, hình ảnh siêu âm buồng trứng là yếu tố để dễ đánh giá sức khỏe buồng trứng cũng như khả năng phát triển hội chứng buồng trứng đa nang.

Nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang: Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây nên hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh lý có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau: Kháng insulin, di truyền và chế độ ăn uống.

Hội chứng buồng trứng đa nang sẽ làm rối loạn quá trình rụng trứng, làm giảm cơ hội mang thai. Đây được chứng minh là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì là một yếu tố nguy cơ tăng buồng trứng đa nang. Theo đó, nữ giới bị béo phì có nguy cơ cao hơn mắc buồng trứng đa nang so với những người không bị béo phì. Nếu không được quản lý tốt, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài nghiêm trọng như ung thư nội mạc tử cung, bệnh tim, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.