Với trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng ít nhiều đều có thể gặp tình trạng trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ. Do vậy, cha mẹ và người chăm sóc các bé cần lưu ý những thông tin sức khỏe dưới đây:

1. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè

Trẻ bị nghẹt mũi khó thở khi ngủ sẽ có một số dấu hiệu nhất định ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau:

- Thể nhẹ: Bé hắt hơi, chảy nước mũi, xuất hiện vảy đặc trong mũi. Bé sơ sinh còn bú mẹ khi bị nghẹt mũi sẽ khó chịu, quấy khóc, bú ngắt quãng, không bú liên tục một hơi dài, bé có thể bị sặc khi bú mẹ. Nếu được bế đứng bé có biểu hiện thoải mái, dễ chịu hơn.

- Thể nặng: Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi có đờm thường bị ngứa rát cổ họng, viêm họng, ho khan, sau khi ăn no bé có thể nôn chớ ngay dù chỉ ho nhẹ, môi khô. Nguyên nhân là do bé bị ngạt mũi nặng, các chất nhầy tại khoang mũi khô cứng, đóng vảy làm bé khó thở, phải thở bằng miệng. 

2. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bé sơ sinh bị ngạt mũi, đặc biệt là ngạt mũi có đờm hoặc ngạt mũi về đêm. Các bố mẹ thử xem bé nhà mình có rơi vào những tình huống này không:

Trẻ sơ sinh bị ngạt mũi thở khò khè thường khó chịu, quấy khóc về đêm rất nhiều do bé khó thở, không thể ngủ được. (Ảnh minh họa: Internet)

- Bé bị cảm lạnh:

Đây là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè. Các bé có thể nhiễm cảm lạnh dù thời tiết mưa lạnh hoặc ngay cả khi trời nắng nhiệt độ cao. Nhiệt độ thấp trong không khí tự nhiên hoặc khi nằm phòng điều hòa không đúng cách có thể khiến trẻ sơ sinh vốn có sức đề kháng non yếu bị cảm lạnh. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do cảm lạnh thường có thêm các triệu chứng sốt nhẹ, chảy nước mắt, hắt hơi đi kèm.

 - Bé bị cảm cúm:

Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên mới bắt đầu tiêm vắc-xin phòng cúm. Tuy nhiên, trước thời điểm này bé hoàn toàn có thể nhiễm bệnh và có biểu hiện ngạt mũi, khó thở, thở khò khè. Ngoài ra, bé có biểu hiện chán ăn, bỏ bú, sốt nhẹ, đau họng.

- Nghẹt mũi sinh lý:

Nhiều bà mẹ sau khi đưa con từ viện về nhà nhận thấy trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm, thở khò khè rất hoang mang. Tuy nhiên, nếu các mẹ chỉ thấy bé bị nghẹt mũi một chút, không có các biểu hiện khác thì rất có thể trong quá trình sinh nở, các nước nhầy của bào thai chưa được hút sạch khỏi đường hô hấp của bé mới sinh.

- Có dị vật trong mũi:

Trong lúc chơi đùa hoặc sinh hoạt hàng ngày vô tình hoặc cố ý một số đồ vật có kích thước nhỏ lọt vào mũi trẻ mà bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ không biết. Điều này có thể khiến trẻ sơ sinh bị ngạt mũi khó thở khi ngủ hoặc ngạt mũi có đờm. Nhiều trường hợp trẻ nghẹt đường thở có thể gây chảy máu mũi hoặc suy hô hấp.

- Dị ứng:

Cơ thể non yếu của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài. Các bé có thể bị dị ứng với độ ẩm hoặc khói bụi trong không khí, phấn hoa do người lớn cắm hoa trong nhà, thời tiết thay đổi bất thường, lông động vật... Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi do dị ứng thường có dấu hiệu hắt hơi, ngứa mũi, mắt đỏ, mũi đỏ.

3. Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè có nguy hiểm không?

Các mẹ đều biết cơ thể của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm vì vậy khi có bất cứ những tác động đến cơ thể của bé, bé đều có những phản ứng. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần lưu tâm theo dõi những thay đổi dù nhỏ nhất trên cơ thể trẻ, đặc biệt là trẻ mới sinh dưới 6 tháng tuổi.

Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè đa số không nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, cha mẹ cần biết cách chăm sóc và xử lý khi thấy trẻ sơ sinh có dấu hiệu ngạt mũi về đêm hoặc nghẹt mũi có đờm.

Làm sạch mũi cho trẻ hàng ngày là biện pháp cần thiết giúp thông thoáng đường thở khi trẻ sơ sinh bị ngạt mũi có đờm. (Ảnh minh họa: Internet)

4. Cách xử lý tại nhà

Trong nhiều trường hợp, khi thấy con bị ngạt mũi khó thở các cha mẹ sẽ đưa bé đến ngay cơ sở y tế để thăm khám. Tuy nhiên, khi đã được bác sĩ chuyên khoa tìm ra nguyên nhân khiến bé khó chịu, bệnh ở thể nhẹ, cha mẹ hoàn toàn có thể vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà hiệu quả với một số biện pháp sau:

- Nhỏ nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%

Dùng các chai nước muối thể tích 10 ml nhỏ từ từ, nhẹ nhàng 1-2 giọt vào hai bên lỗ mũi, giúp làm loãng dịch mũi của trẻ. Nước muối sinh lý có tác dụng làm thông mũi hiệu quả cho trẻ sơ sinh.

- Day nhẹ hai bên cánh mũi:

Sau khi nhỏ nước muỗi, mẹ dùng ngón tay trỏ day nhẹ 2 bên cánh mũi của bé giúp chất nhầy dịch mũi dễ tan ra để bé dễ thở và thoải mái.

- Hút mũi cho bé:

Với trẻ sơ sinh bị ngạt mũi về đêm nhiều sẽ khiến bé khó thở, khó chịu không ngủ được nên quấy khóc. Cha mẹ có thể lựa chọn các dụng cụ hút mũi tại nhà với một đầu thổi, một đầu hút. Sau mỗi lần sử dụng dụng cụ hút mũi cần làm sạch và khử trùng dụng cụ.

- Xông hơi phòng:

Các mẹ có thể đốt 1-2 giọt tinh dầu tràm, gừng, bạc hà để làm sạch phòng ở của bé, giúp lưu thông không khí giúp bé dễ thở hơn. Mẹ cũng có thể bôi 1 chút tinh dầu tràm vào ve áo của trẻ sơ sinh để bé ngửi làm thông mũi hơn.

- Tắm bé bằng tinh dầu:

Rất nhiều bà mẹ băn khoăn “trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi có nên tắm không?”. Thì câu trả lời là, đối với trẻ sơ sinh các mẹ vẫn cần làm sạch cơ thể cho trẻ thường xuyên. Suy nghĩ kiêng tắm khi trẻ đang bệnh là hoàn toàn sai lầm vì cơ thể trẻ thường xuyên đổ mồ hôi, nếu không được tắm rửa sạch sẽ bé sẽ càng khó chịu, vi khuẩn sinh sôi lại là mầm mống gây ra các căn bệnh khác. Mẹ có thể nhỏ 1-2 giọt dầu tràm vào chậu nước tắm cho bé. Cần lau người và tắm cho bé thật nhanh trong phòng kín gió. Nếu thời tiết bất lợi có thể tắm 2-3 lần/ tuần. Sau khi tắm bé, mẹ có thể hút rửa làm sạch mũi cho trẻ sơ sinh thuận lợi hơn vì chất dịch nhầy trong mũi đã được làm loãng.

Khi trẻ sơ sinh ngạt mũi khó thở, các mẹ có thể giãn cách các lần tắm cho con nhưng vẫn cần vệ sinh cơ thể của trẻ sạch sẽ hàng ngày, tránh để vi khuẩn tấn công làm trẻ sinh thêm bệnh. (Ảnh minh họa: Internet)

- Chế độ dinh dưỡng:

Nếu trẻ sơ sinh bị ngạt mũi khó thở, bé có xu hướng ăn ít, thậm chí là bỏ ăn do vùng miệng họng khó chịu, họng bị khô mất nước vì các bé thở bằng miệng. Các mẹ cần chia nhỏ cho con bú làm nhiều cữ, sau mỗi lần bú nên vỗ ợ hơi tránh trẻ bị nôn trớ. Với trẻ đã ăn dặm, nên cho bé ăn đồ ăn lỏng, mát, ăn từng ít một.

5. Cách phòng tránh trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khò khè

- Vệ sinh cơ thể của trẻ hàng ngày: Để đề phòng lây nhiễm bệnh tật, mẹ cần vệ sinh tay chân của trẻ hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn. Rửa mắt, mũi của trẻ bằng nước muối sinh lý sau khi chơi ngoài trời hoặc tiếp xúc với người lạ.

- Vệ sinh phòng ở của trẻ: Phòng ở của trẻ sơ sinh cần thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo kín gió khi trời lạnh. Thay giặt ga gối, chiếu đệm của trẻ thường xuyên. Thường xuyên diệt khuẩn đồ chơi hàng ngày của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn.

- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ: Trẻ sơ sinh cần ăn ngủ đúng giờ. Đối với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn, mẹ cần có chế độ dinh dưỡng để đảm bảo chất lượng nguồn sữa. Trẻ đã ăn dặm cần đa dạng thực đơn để bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể.

- Tránh các nguồn lây nhiễm: Trong giai đoạn giao mùa hoặc các đợt bùng phát dịch bệnh, cần hạn chế cho trẻ đến các nơi công cộng đông người. Đeo khẩu trang và hạn chế sự tiếp xúc giữa trẻ và người đang nghi mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Đảm bảo cho trẻ được tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ, đúng lịch.

6. Những lưu ý khác khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi thở khò khè

- Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa nếu trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi khó thở kéo dài khi đã thực hiện nhiều biện pháp chăm sóc tại nhà không có hiệu quả. Trẻ có dấu hiệu chán ăn, bỏ bú 24 giờ trở lên, sốt, co giật, quấy khóc nhiều, chảy máu mũi.

- Cha mẹ tuyệt đối không rửa mũi bằng xi- lanh, kích thích ho đờm cho trẻ sơ sinh. Đây đều là thủ thuật của bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng. Nếu thực hiện sai cách có thể khiến trẻ sơ sinh đang bị nghẹt mũi gặp các biến chứng như viêm tai giữa, viêm họng.

- Cha mẹ không tự ý cho trẻ sơ sinh dùng kháng sinh khi chưa chỉ định của thầy thuốc.

- Không hút mũi cho trẻ bằng miệng vì biện pháp này có thể làm tăng khả năng nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ.

- Đối với trẻ bị ngạt mũi do cảm lạnh, không nên quấn ủ trẻ quá kỹ khiến trẻ nóng bí khó chịu.