Từ trước đến nay, nước luôn là thành phần không thể thiếu trong cơ thể con người bởi nó chứa rất nhiều công dụng tuyệt vời, đặc biệt là đối với phái đẹp. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng gây mệt mỏi và cơ thể cũng tiết nhiều mồ hôi hơn dẫn đến tình trạng mất nước nên nhu cầu bổ sung nước tăng rất cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách uống nước đúng cách bởi nếu uống nước sai cách sẽ khiến cơ thể càng thêm mệt mỏi, đôi khi sinh thêm một số căn bệnh không mong muốn.

Sau một ngày phải "đấu tranh" ngoài đường với thời tiết nắng nóng, mệt mỏi như thiêu đốt, còn gì tuyệt vời hơn khi được uống nước thỏa thích. Tuy nhiên, sử dụng nước quá nhiều, bạn sẽ phải đi tiểu nhiều, gây áp lực lên thận. Bên cạnh đó, việc tích tụ nước trong cơ thể quá nhiều có thể pha loãng các chất điện giải trong máu, dẫn đến hạ natri. Điều này cũng góp phần gây phù hoặc sưng não, nhất là chức năng hô hấp và kiểm soát cơ bắp.

Do đó, theo một số nghiên cứu, cơ thể bình thường mỗi ngày chỉ nên sử dụng 40ml nước cho mỗi kg cơ thể, trung bình từ 1,5 - 2l một ngày. Ngược lại, nếu uống quá ít nước cũng dẫn đến những nguy cơ không mong muốn. Bởi, 70% trọng lượng cơ thể của chúng ta là nước nên khi thiếu nước, bạn sẽ cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, phản ứng chậm. Thậm chí, có thể dẫn đến tử vong nếu cơ thể mất đi hơn 20% nước. Vậy làm thế nào để uống nước đúng cách trong mùa nóng?

Uống nước chậm là tốt nhất

Hầu hết mọi người đều có thói quen khi khát là uống luôn một cốc nước đầy, thế nhưng điều này lại hoàn toàn không tốt cho sức khỏe. Bởi vì khi bạn uống nước nhiều và nhanh sẽ khiến máu loãng ra, làm tăng gánh nặng cho tim, nhất là lúc bạn mới tập thể dục, làm việc nặng,... Không chỉ vậy, nó còn làm tăng tiết mồ hôi, mất chất điện giải như natri, kali nên càng có cảm giác khát nhiều hơn. Ngoài ra, uống nước vội có thể gây nắc cục hoặc chướng bụng. Do đó, nên uống từng ngụm nhỏ, điều này sẽ làm giảm cơn khát hơn.

Uống nước ấm sẽ tốt hơn nước đá, nước nóng

Không ít người cho rằng uống nước đá sẽ nhanh giải tỏa cơn khát hơn, tuy nhiên nước lạnh lại gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, chuột rút hoặc tiêu chảy. Mặt khác, uống nước quá nóng cũng không hề tốt bởi nó có thể gây tổn thương niêm mạc thực quản và kích thích sự tăng sinh niêm mạc. Bởi vậy, uống nước với nhiệt độ từ 10 đến 30 độ C sẽ thích hợp nhất. 

Phân bố lượng nước tiêu thụ trong ngày hợp lý

Theo một số nghiên cứu, cách uống nước thông minh là rải đều lượng hấp thụ nước trong ngày. Cứ cách 1 tiếng lại uống vài ngụm nước, hoặc uống khoảng 50 - 100ml nước dù không khát. Đặc biệt, thói quen này cũng rất tốt cho trẻ con.

Lượng nước hấp thụ của mỗi người là khác nhau

Theo một số khuyến cáo, mỗi người nên uống khoẳng 8 cốc nước (tương đương 2 lít) mỗi ngày để cung cấp đủ độ ẩm, làm sạch ruột, dạ dày và thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Thế nhưng, thực tế một người cần uống lượng nước bao nhiêu còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Theo đó, cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc, khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu hấp thụ nước của cơ thể.

Với một người khỏe mạnh, lượng nước cần được bổ sung có thể xác định bằng màu nước tiểu. Màu sắc nước tiểu bình thường có màu vàng, còn sẫm màu hơn thì cần bổ sung thêm nước và nước tiểu trong là bạn uống quá nhiều. Đối với người ốm thì cần bổ sung nhiều nước hơn bởi cơ thể có thể bị mất nước. 

Bên cạnh đó, khi phải ra đường nắng nóng hay ngồi điều hòa cả ngày, bạn cần uống nhiều nước hơn bởi sự mất nước sẽ diễn ra nhanh hơn.

Uống nước vào sáng sớm để thanh lọc cơ thể

Sáng sớm là thời điểm tốt nhất để uống một ly nước để thanh lọc cơ thể sau một đêm trao đổi chất. Mỗi sáng hãy uống một ly nước sôi (khoảng 0,3 lít) ngay sau khi rửa mặt, đánh răng và trước khi dùng bữa ăn sáng. Tuy nhiên, vẫn nên uống từ từ, ít nhất trong 1 phút, tốt nhất là trong 9 phút. Điều này góp phần hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ đầy hơi.