Sau cưới dù Thanh rất muốn ra ở riêng nhưng Khang lại không đồng ý, anh nói vì anh là con trai duy nhất, lại là trưởng nên kiểu gì vợ chồng cô cũng phải sống với bố mẹ anh. Cũng may mẹ Khang dễ tính, từ ngày Thanh về làm dâu bà luôn quan tâm, thoải mái với cô nên cuộc sống làm dâu của Thanh cũng dễ thở.

Thi thoảng ngồi với con dâu, mẹ chồng Thanh lại tâm sự: "Mẹ chỉ có 2 anh em thằng Khang, con Tâm thì nó cũng đã đi làm dâu nhà người ta rồi. May có con về làm bạn với mẹ, chứ cái thằng Khang nó là đàn ông, vô tâm lắm. Chẳng mấy khi để ý, quan tâm tới mẹ đâu".

 

Bà luôn miệng nói thương Thanh như con gái khiến cô nghe cũng thấy ấm lòng. Được bà thương yêu, cô cũng hết chăm sóc bà như chăm sóc bố mẹ đẻ.

 

Ảnh minh họa: Internet

Đến giữa năm vừa rồi, cả Thanh với em chồng đều mang thai. Mẹ chồng cô thấy vậy mừng lắm. Tâm sống chẳng gần nhà đẻ nhưng mỗi lần mẹ chồng Thanh nấu đồ tẩm bổ cho con dâu, bà nấu liền hai suất rồi gọi cho con gái chiều đi làm về, rẽ vào ăn hoặc bà mang sang tận nơi cho.

Suốt thời gian mang thai, bà luôn đối xử công bằng giữa con dâu với con gái như thế. Hàng xóm nhìn vào nhiều khi còn chẳng phân biệt được ai là con dâu, ai là con gái của cụ. Thậm chí bố mẹ Thanh sang thăm con gái, nhìn mẹ chồng cô cặm cụi chăm sóc dâu bầu, họ còn bảo: "Số con quá may mới có được người mẹ chồng như thế. Sau này liệu mà ăn ở cho phải đạo với nhà chồng đó".

Thật lòng không cần bố mẹ nhắc nhở, Thanh cũng cảm nhận được sự quan tâm săn sóc của mẹ chồng. Cô thầm nghĩ nhất định sau này sẽ báo hiếu bà thật tốt để không phụ tình cảm bà dành cho mình.

Thế nhưng cách sinh khoảng gần 1 tháng, buổi tối Thanh đi xuống dưới bếp lấy cốc nước mát uống, không ngờ lúc đi ngang qua phòng mẹ chồng, cô lại nghe thấy bà nói chuyện điện thoại với con gái: "Lúc chiều mẹ chuyển vào tài khoản của con 50 triệu đó. Con giữ để mua thêm đồ tầm bổ. Tháng cuối rồi, phải chịu khó ăn uống giữ gìn cho đứa nhỏ chào đời khỏe mạnh. Còn lại thì để lo viện phí. Chọn gói sinh dịch vụ nào tốt chút cho yên tâm con ạ".

Sau hôm ấy, Thanh không thấy mẹ chồng kể lại với cô việc bà cho con gái tiền. Thanh chia sẻ, thật tình cũng không phải là cô tham lam, sân si gì. Nhưng 2 chị em cùng bầu bí, từ trước tới nay cái gì bà cũng chia đôi, chăm sóc công bằng đều như nhau. Vậy mà tự nhiên bà cho con gái ngần ấy tiền lo tẩm bổ, viện phí còn con dâu, cháu nội lại không thấy nhắc đến. Điều này khiến cô không khỏi chạnh lòng. Nghĩ lại những lời bà nói trước đây, rằng bà thương cô như con đẻ, tự nhiên Thanh lại thấy gợn lòng.

Dự kiến sinh của Thanh với Tâm chỉ cách nhau có 3, 4 ngày. Thanh vào viện đẻ được 2 ngày thì chồng Tâm gọi điện thông báo với mẹ vợ là Tâm đang đau bụng chuẩn bị sinh. Bà nghe vậy ngồi lặng người, mặt đầy vẻ lo lắng. Thanh nhìn thế giục mẹ chồng: "Để con bảo anh Khang bắt xe đưa mẹ sang viện với cô Tâm nhé. Con đỡ đau, có thể ngồi dậy, tự xoay xở được rồi. Chắc mai là bà ngoại lên thôi. Mẹ cứ sang bên đó với cô Tâm đi. Chắc cô ấy mong mẹ lắm".

 

Ảnh minh họa: Internet

Không ngờ, Thanh vừa dứt lời thì mẹ chồng cô quay sang nhìn con dâu cười hiền hậu bảo: "Không, mẹ phải ở đây với con dâu, cháu nội mẹ. Con Tâm đã có nhà chồng nó lo. Với lại trước khi nó sinh một tháng, mẹ đã cho nó 50 triệu lo tiền viện phí rồi. Mẹ đã tính trước, hai đứa cùng sinh, mẹ phải chăm cháu nội không sang chăm mẹ con nó được nên mẹ cho nó tiền để đặt gói dịch vụ sinh tốt nhất trong viện. Thế là mẹ yên tâm rồi".

Nghe tới đây, Thanh thần người nhìn bà. Hóa ra, để có thể yên tâm chăm sóc con dâu đón cháu nội, mẹ chồng cô đã cho tiền con gái thuê gói đẻ dịch vụ. Vậy mà cô lại hiểu lầm, cho rằng bà thương con gái hơn con dâu. Nghĩ tới đây, Thanh thấy hổ thẹn vô cùng. Thanh kể, sau lần đấy, cô không bao giờ may may nghi ngờ gì tấm chân tình mẹ chồng đối với mình bởi chẳng mấy ai có được người mẹ chồng tốt như mẹ chồng cô.