Hải Đăng (tên đã đổi theo yêu cầu) cho biết hiện sinh sống ở TP HCM, thường xuyên phải tham gia các chuyến bay di chuyển giữa hai thành phố. Kể từ khi có thông tin về vaccine Covid-19, anh luôn theo dõi thông tin và tìm kiếm cơ hội tham gia thử nghiệm tại Hà Nội.

Ngày 5/3, Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) phối hợp Trường Đại học Y Hà Nội (HMU) và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) chính thức tuyển tình nguyện viên cho thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac. Có 2 hình thức đăng ký gồm đăng ký trực tuyến qua email, website, số điện thoại và đăng ký trực tiếp tại HMU. Vì vậy, Hải Đăng đi từ sân bay tới thẳng địa điểm đăng ký trực tiếp khi vừa kết thúc ca làm việc vào trưa 5/3.

"Là tiếp viên hàng không thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy được tiêm vaccine sẽ giúp đảm bảo an toàn cho bản thân vừa bảo đảm an toàn cho các hành khách. Không chỉ tôi mà đồng nghiệp của tôi cũng rất muốn được tiêm vaccine", nam tiếp viên cho biết.

Nam tiếp viên hàng không tại bàn tư vấn tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine chiều 5/3. Ảnh: Đỗ Linh.

Cán bộ tư vấn tiếp nhận thông tin đăng ký, tư vấn về lịch trình khám và quyền lợi tình nguyện viên được hưởng trong suốt thời gian thử nghiệm. Chị cho biết buổi khám sàng lọc dự kiến diễn ra từ ngày 10/3, cán bộ tư vấn sẽ gọi điện trước để hẹn lịch khám. Đăng sẽ được tham gia thử nghiệm nếu có kết quả khám sàng lọc phù hợp.

Cuộc trò chuyện giữa Đăng và tư vấn viên kéo dài khoảng 5 phút. Sau khi được tư vấn, Đăng cho biết không ngại ngần việc di chuyển giữa 2 thành phố để tham gia nghiên cứu vaccine vì thuận lợi với lịch công tác.

Nam tiếp viên chỉ lo lắng về việc có thể không được tham gia thử nghiệm do có nhiều người đăng ký. "Họ chưa nói chắc chắn mà thông báo sẽ xem xét các thông tin của tôi sau đó gọi lại sau về việc khám sàng lọc và tiêm".

Đăng cũng cho biết đang giấu gia đình để đăng ký tham gia thử nghiệm vaccine. "Có thể vì lo lắng cho tôi nên gia đình sẽ phản đối nên tôi đi đăng ký trước, sau đó sẽ báo lại với họ", nam tiếp viên hàng không nói.

Ngoài Đăng, chiều cùng ngày có khoảng 10 người khác cũng tới đăng ký thử nghiệm trực tiếp tại Trường Đại học Y Hà Nội. Cộng với số đăng ký thử nghiệm thông qua email, website, đã có khoảng 400 người đăng ký tham gia.

Cán bộ tư vấn cho biết sẽ lưu lại một số thông tin cơ bản của người đăng ký như tuổi, tiền sử bệnh nền. Nếu đủ điều kiện, người đăng ký sẽ được thông báo khám sàng lọc từ 10-14/3, gồm đo các chỉ số, lấy máu làm xét nghiệm. Sau khoảng 2-3 ngày sẽ có kết quả khám. Nếu người tình nguyện đáp ứng tất cả yêu cầu, sẽ được thông báo đã đạt tiêu chuẩn và hẹn lịch tiêm. Toàn bộ chi phí khám sàng lọc và xét nghiệm do nhóm nghiên cứu chi trả.

Tại buổi công bố thông tin thử nghiệm ngày 21/1, tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết việc các tình nguyện viên tham gia những nghiên cứu sản phẩm mới để phát triển khoa học kỹ thuật ngành y nói chung, trong đó có vaccine phòng Covid-19 nói riêng, không chỉ thể hiện quyền lợi và trách nhiệm cá nhân, mà còn đóng góp trách nhiệm với xã hội, quốc gia và cộng đồng.

"Vấn đề an toàn cho các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine luôn được đặt lên hàng đầu. Nhóm nghiên cứu sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối, trong tất cả tình huống xảy ra", ông Quang cho biết.

"Tôi cho rằng ai cũng giành việc nhẹ thì việc khó dành phần ai. Tôi muốn góp một phần nào đó để đẩy nhanh việc nghiên cứu vaccine của Việt Nam", Đăng nói.