Và vấn đề được nhiều người dân đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là sau khi tiêm vắc xin bao lâu cơ thể sẽ có miễn dịch 100% với vi rút SARS-CoV-2? Vắc xin phòng Covid-19 "phủ sóng" bao nhiêu phần trăm dân số thì không lo dịch bệnh "tấn công"?
Giúp giảm 2/3 nguy cơ lây truyền vi rút không triệu chứng
Lô vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên nhập khẩu vào nước ta được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu. Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và Công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Theo hướng dẫn, những liều vắc xin đầu tiên này trải qua quy trình kiểm định chất lượng cuối cùng trước khi được bàn giao cho Bộ Y tế, Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) để bắt đầu công tác tiêm chủng cho các nhóm ưu tiên.
Vắc xin của AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vắc xin có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ suy giảm không đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vắc xin sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều số một; đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.
Ngoài ra, kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, vắc xin Covid-19 AstraZeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do Covid-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền vi rút không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hằng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đối với vắc xin AstraZeneca, mỗi người cần tiêm 2 mũi. Thời gian tiêm cách nhau tối thiểu 21 ngày. Sau khi tiêm, không cần kiêng nhưng cần theo dõi, nếu có sự khác thường về sức khỏe thì báo ngay cho cơ sở y tế.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết thêm, trước khi được đưa về Việt Nam, vắc xin AstraZeneca đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định. Trên thực tế, vắc xin này cũng đã được triển khai tiêm cho người dân hàng chục nước trên thế giới. Về nguyên tắc, khi nhập vào Việt Nam có thể tiêm ngay được. Để thực hiện phòng, chống dịch khẩn cấp, Việt Nam có thể tiến hành tiêm ngay cho các đối tượng có nguy cơ cao theo kế hoạch được Bộ Y tế phê duyệt.
"Trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 hay bất kỳ một loại vắc xin nào, đối tượng tiêm chủng sẽ được cán bộ y tế khám sàng lọc. Những trường hợp bị sốt hay có nhiễm trùng cấp tính... sẽ phải hoãn tiêm. Đáp ứng miễn dịch sẽ đạt hiệu quả tốt nhất nếu sức khỏe của đối tượng tiêm chủng bình thường", PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý.
Đề phòng biến thể của vi rút không có tác dụng với vắc xin
Đề cập đến việc tổ chức tiêm vắc xin Covid-19, PGS.TS Dương Thị Hồng cho rằng, theo kế hoạch, việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sẽ được tổ chức với hình thức chiến dịch nhưng không phải là triển khai đồng loạt trên toàn quốc cho tất cả đối tượng mà sẽ tổ chức cuốn chiếu tại các địa phương, cho từng nhóm đối tượng phù hợp với tiến độ cung ứng vắc xin.
Về những tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm vắc xin, theo PGS.TS Dương Thị Hồng, vắc xin Covid-19 cũng như thuốc hay các loại vắc xin khác, đều có thể có phản ứng không mong muốn, bao gồm: Phản ứng thông thường như đau, sưng hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân như sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, như dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong.
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca, các phản ứng thường gặp với tỷ lệ trên 10% gồm đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm từ 1% đến dưới 10%...
"Để bảo đảm an toàn, trước khi triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, cán bộ y tế sẽ được tập huấn về việc sử dụng vắc xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng... Trang thiết bị phòng, chống sốc và xử trí cấp cứu với các trường hợp tai biến sau tiêm chủng (nếu có) cũng đầy đủ tại các điểm tiêm chủng", PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Cũng theo PGS.TS Dương Thị Hồng, vắc xin phòng Covid-19 là một vắc xin mới, do đó những số liệu về thời gian duy trì miễn dịch cho những người đã tiêm hiện đang được theo dõi và đánh giá.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, hiện nay, muốn có miễn dịch cộng đồng thì phải bao phủ vắc xin từ 60-70% dân số. Quan điểm của Chính phủ là toàn dân sẽ được tiêm vắc xin Covid-19. Thế nhưng, hiện nay, do phụ thuộc vào số lượng vắc xin nên phải ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao trước. Ngoài ra, tại thời điểm này, nước ta cũng chưa triển khai tiêm dịch vụ vắc xin Covid-19.
"Sau tiêm vắc xin, chưa hẳn đã có miễn dịch ngay hoặc đề phòng biến thể của vi rút không bị tác động nên chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc "5K": Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.