Lần chụp CT phổi đầu tiên cho bệnh nhân phi công tiến hành hôm 12/5, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Kết quả cho thấy tình trạng xơ hóa đông đặc toàn bộ hai phổi, mất chức năng, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Bệnh nhân khi ấy chắc chắn tử vong nếu rời máy ECMO (hệ thống oxy hóa máu ngoài cơ thể, hoạt động như tim phổi nhân tạo). Vì vậy, Bộ Y tế chỉ định ghép phổi.

Sáu ngày sau, bệnh nhân tiếp tục chụp CT lần hai để đánh giá tổng quan tình hình phổi. Kết quả, phổi có dấu hiệu phục hồi 20-30%. Ngày 20/5, Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân đã được điều trị hết nCoV. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiễm trùng màng phổi, chưa thể ghép phổi, tiếp tục điều trị nội khoa để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.

Tối 22/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Bệnh viện Chợ Rẫy lập một tổ chuyên gia đặc biệt, theo dõi, hội chẩn, báo cáo Tiểu ban Điều trị của Bộ Y tế. Hội chẩn cấp quốc gia về tình hình bệnh nhân được tiến hành mỗi ngày nếu cần. 

Ảnh chụp X-quang bệnh nhân phi công ngày 25/5 và 2/6. Phần bị hư hại màu trắng mờ, phần màu đen còn có thể hoạt động. Hình ảnh do bệnh viện cung cấp. 

Phân tích hình ảnh X-quang phổi ngày 25/5, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Có hiện tượng đông đặc, xơ hết cả hai bên phổi. Đặc biệt yếu liệt của cơ hoành nên bệnh nhân gần như lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO".

Bệnh viện Chợ Rẫy kết hợp ba loại thuốc để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm phổi. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, giám đốc, cho biết bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do vi khuẩn Burkholderia cepacia, tổn thương thận cấp. 

Ngày 31/5, tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân bắt đầu cải thiện, hình ảnh xơ phổi và đông đặc phổi sáng hơn, đặc biệt là phổi phải hồi phục nhiều hơn. Tình trạng liệt cơ hoành cũng cải thiện, không còn cao như phim phổi của 5 ngày trước đó, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Linh. 

 

Ngày 2/6, chức năng hô hấp của bệnh nhân cũng cải thiện dần, oxy máu ổn định. Các thông số chỉ báo mức độ nhiễm trùng về mức gần bình thường. Bệnh nhân ngưng can thiệp ECMO, chuyển sang thở máy.

"Dù có thể cai được ECMO, nhưng tổn thương phổi đặc thù do nhiễm nCoV, bệnh nhân vẫn có thể phải phụ thuộc rất lâu với việc thở máy. Sau đó, quá trình cai máy thở cũng là vấn đề khó khăn, có thể cần thời gian một tháng hoặc dài hơn nữa", bác sĩ Linh cho biết. 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng nay đánh giá bệnh nhân có cơ hội sống và hồi phục. Phổi đã hoạt động trở lại 40%, tuy nhiên tình trạng còn nặng và phải điều trị lâu dài. 

Hiện bệnh nhân tiếp tục sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn Burkholderia Cepacia và để phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. Đồng thời, các bác sĩ tăng cường dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi, tập vật lý trị liệu, cân bằng điện giải để tránh tổn thương thận tái phát.

Phổi bình thường và phổi bị xơ. Đồ họa: Mayo Clinic. 

Phi công người Anh, làm việc cho Vietnam Airlines, được ghi nhận là "bệnh nhân 91" ngày 18/3, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Người này nhiễm nCoV với tải lượng virus cao gấp nhiều lần mức phổ biến. Đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên liên quan ổ dịch Buddha Bar & Grill tại TP HCM. 

Khi vào viện, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, nhưng vài ngày sau suy hô hấp tăng dần, mắc hội chứng "bão cytokine". Từ ngày 5/4 phải thở máy xâm lấn và từ 6/4 phải can thiệp ECMO. 

Sau 65 ngày điều trị liên tục, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Trước khi chuyển viện, bệnh nhân có 6 lần liên tiếp xét nghiệm âm tính với nCoV. 

Tin liên quan