Mất người yêu vì bị trầm cảm: "Nếu tôi khôn hơn thì đã không để em một mình!"
Trầm cảm là một trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc. Ở Việt Nam và trên thế giới từng xôn xao những vụ giết người hoặc tự tử vì trầm cảm bởi không ai có thể ngờ một căn bệnh tâm lý lại có thể ảnh hưởng lớn tới như vậy. Thế nhưng dù là một căn bệnh có thể dẫn tới những cái kết thương tâm nhưng ngay từ đầu lại luôn bị nhiều người chủ quan, coi thường.
Mới đấy một bài đăng của chàng trai mất người yêu vì căn bệnh trầm cảm lại một lần nữa cảnh tỉnh chúng ta về sự nguy hiểm của con “quái vật” này.
Được biết chàng trai là sinh viên sắp tốt nghiệp Bách Khoa còn cô gái là sinh viên năm nhất, cả hai đã có tình cảm với nhau từ khi cô gái học cấp 3. Dù bên ngoài cô gái có vẻ vui tươi như chàng trai miêu tả là “lúc nào cũng rạng rỡ vui tươi, lúc nào cũng cười đùa năng động” nhưng thực tế cô gái lại thường xuyên bị stress rất nặng.
“Em hay bị stress rồi trầm cảm rất nặng, tôi đưa em đi khám mấy lần, cũng cố gắng ở bên động viên, còn em thì cứ luôn tươi cười như vậy. Cô gái của tôi vẫn nói nhiều vẫn cười đùa với tôi như thế, tôi đã nghĩ em sẽ chẳng sao đâu. Tôi và em hay tâm sự, kể về mọi thứ trong cuộc sống kể cả những điều nhỏ nhặt nhất.
Tôi thời gian gần đây rất bận rộn, đi làm đi học, tôi ít quan tâm em được nhiều, ít tâm sự với em, ít nghe em kể chuyện, cũng ít nói về chuyện công việc của mình. Em thì rất hiểu chuyện, không đòi hỏi tôi phải luôn bên cạnh chăm sóc cho em, đôi khi em nhắn tin hỏi tôi vu vơ vài câu tôi cũng chỉ trả lời cho có lệ. Tôi quên mất dành thời gian cho em.
Có một lần đêm muộn em nhắn tin cho tôi, em nói "Anh ơi, sao dạo này em đau quá". Tôi trả lời "Em đau ở đâu, đau thế nào em đi khám chưa?" Em chỉ rep "Em đau tim". Rồi sau hôm đấy em off, tôi cũng không quá để tâm. Sau đó tự nhiên em hiền lành và trầm lắng, ngoan ngoãn đợi tôi, gặp tôi ít cười đùa cũng ít nhắn tin, em bảo: "Em biết anh bận nên em đợi, đừng lo em, anh làm đi". Đấy, mọi thứ nó nhẹ nhàng như vậy.
Tôi thấy may mắn vì quen được em, muốn đi làm đủ để cưới em lo cho em sau này, cứ đâm đầu vào làm miệt mài, tôi tin em vẫn đợi tôi. Thế mà em có đợi đâu? Tối cuối cùng tôi nhắn tin với em, cũng là tin cuối cùng mà em gửi đến tôi "Ngày mai anh nhớ giữ gìn sức khỏe sống vui, anh đi làm rồi anh mệt. Chúc anh ngủ ngon."
Sáng hôm sau tôi nghe tin em mất, em tai nạn. Tài xế nói em lao ra đường, không kịp phanh, em mất trên đường đến viện. Tôi bỏ việc chạy đến nhà em, chỉ có tiếng kèn trống và tiếng gia đình em than khóc. Tôi không chấp nhận được việc em đã mất, tôi khóc. Mẹ em khóc vì con, vừa gào vừa ôm lấy tôi "người nó toàn vết xước, khổ thân con tôi, sao để kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh vậy con ơi...".
Tôi cũng không nghe không nhớ được nữa. Hôm dọn đồ của em trên trường, tôi tìm thấy hồ sơ khám bệnh của em, bao nhiêu là thuốc, cả nhật kí em viết chưa một lần tôi đọc. Em mắc hội chứng tự hành hạ bản thân, tôi thấy xót xa.
Nhật kí em viết cho tôi, những điều rất nhỏ mà chúng tôi từng nói, những cảm xúc những mong muốn của em, những ước mơ, những tương lai mà em muốn phấn đấu. Tôi chỉ biết khóc, em đi mất rồi.
Em viết "Sau này em muốn làm vợ anh thôi".
Em viết "Sao anh chẳng nhắn cho em một tin nào vậy?"
Em viết "Em đợi anh nhưng em nhớ anh lắm, anh bận mất rồi".
Em viết "Em muốn trả lời câu hỏi của anh".
Em viết "Ngày mai liệu anh có đỡ bận để gặp nhau một lúc không nhỉ? Nửa tháng rồi anh đi suốt chẳng biết anh thế nào".
Em còn viết "Hôm nay tay em chảy rất nhiều máu, nhưng em đỡ nhớ anh hơn".
Giờ tôi không miệt mài công việc nữa, tôi về bên cạnh để chăm sóc cho em rồi đây, tôi nghe em kể chuyện đây, tôi muốn thấy em cười đây, thế em ở đâu sao tôi chẳng tìm thấy em nữa? Đáng lẽ tôi nên bên cạnh em nhiều hơn, đáng lẽ tôi tốt với em hơn, đáng lẽ tôi giỏi giang hơn thì có lẽ tôi đã khôn hơn để biết là không được để em một mình. Muộn mất rồi, tôi biết tìm em ở đâu đây? Em về đi tôi biết đợi rồi.”
Sau khi những dòng tâm sự của chàng trai được đăng tải đã gây xúc động mạnh tới rất nhiều cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều thể hiện niềm xót thương và bất ngờ khi có không ít người cũng chia sẻ căn bệnh mà bản thân trải qua.
"Mình cũng bị trầm cảm. Những người luôn miệng nói yêu mình càng khiến bản thân mình thấy mệt mỏi hơn. Có những lúc điên loạn chạy ra đường, có những lúc khóc lóc chẳng vì một lý do gì hết." Facebook T. T chia sẻ.
Trầm cảm là gì? Và nó nguy hiểm tới cỡ nào?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác thất vọng, tự cô lập bản thân, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của cá nhân, gây trở ngại không nhỏ đến cuộc sống, thậm chí có thể dẫn tới tự tử.
Chứng trầm cảm tưởng như đơn giản nhưng thật sự rất nguy hiểm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vào năm 2015, ước tính có 16,1 triệu người trưởng thành ở Mỹ (từ 18 tuổi trở lên) bị mắc chứng trầm cảm. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH) đã tuyên bố trầm cảm trở thành chứng bệnh phổ biến nhất về rối loạn tâm lý.
Trầm cảm có thể ảnh hưởng tới bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, giới tính mà chúng ta không thể lường trước được. Theo NIMH thì số phụ nữ mắc trầm cảm nhiều gấp đôi so với nam giới.
Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm không chỉ là cảm xúc đơn độc, buồn rầu mà còn có biểu hiện như: mất ngủ, không thể tập trung, chán ăn, đau đầu, tuyệt vọng, dễ kích động, thường có suy nghĩ tự tử.
Đây là căn bệnh nếu không kịp thời phát hiện và có sự giúp đỡ từ người thân sẽ rất dễ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Vì thế đừng bao giờ thờ ơ với những người thân yêu xung quanh chúng ta.
Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn
Từ chiều tối 22 đến 23/11, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hòa có mưa, mưa...
Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình
Không ít bà vợ cảm thấy lo lắng và bất an khi chồng ngày một sa sút, thậm chí không...
Vì sao con người lùn đi khi về già?
Giảm chiều cao là một đặc trưng điển hình của việc con người già đi. Bắt đầu từ sau tuổi...
Đàn ông cũng cần được khóc
Nhiều nam giới trao đổi rằng họ không được ai dạy về cách thế hiện tình cảm yêu thương thế...