Nguyên nhân trẻ 1 tuổi bị táo bón

Trẻ 1 tuổi có hệ tiêu hoá còn non nớt, đây là giai đoạn trẻ đang trong quá trình ăn dặm nên tính chất phân của trẻ có thể thay đổi hoàn toàn so với thời điểm trẻ chỉ bú sữa mẹ. Dựa vào số lần đi tiêu và tình trạng phân để xác định trẻ có bị táo bón hay không.

  • Số lần đi ngoài dưới 3 lần/ tuần.
  • Tình trạng phân khô cứng, vón cục to bất thường.
  • Tâm lý trẻ căng thẳng, quấy khóc khi đi đại tiện.
Dựa vào số lần đi tiêu và tình trạng phân để xác định trẻ có bị táo bón hay không - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân trẻ bị táo bón có thể xuất phát từ những lý do sau:

Thực đơn ăn dặm không phù hợp: Trong khẩu phần ăn hàng ngày, cha mẹ cho trẻ ăn quá nhiều chất đạm mà không cung cấp đủ chất xơ. Hoặc các mẹ cho con ăn thực phẩm khó tiêu, không phù hợp với hệ tiêu hoá cũng là nguyên nhân làm con bị táo bón.

Sữa công thức: Khi chuyển từ giai đoạn bú mẹ sang bú sữa công thức sẽ dễ làm trẻ bị táo bón bởi những thành phần trong sữa công thức khác với sữa mẹ.

Do lạm dụng thuốc: Khi trẻ có các biểu hiện bệnh như còi xương, suy dinh dưỡng, viêm hô hấp… phải sử dụng các loại thuốc khác nhau trong thời gian dài cũng gây ra tình trạng táo bón cho trẻ.

Bệnh lý: Trẻ bị một số bệnh lý bẩm sinh như phình đại tràng, dính ruột già… cũng có thể khiến trẻ bị táo bón lâu ngày.

Trẻ 1 tuổi bị táo bón có thể do không được cung cấp chất xơ đầy đủ trong bữa ăn - Ảnh minh họa: Internet

Nếu xác định được nguyên nhân táo bón ở trẻ, chúng ta dễ tìm ra phương hướng chữa trị và điều trị chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ để khắc phục tình trạng trên.

Trong trường hợp trẻ 1 tuổi bị táo bón ra máu kèm theo nôn ói, đau bụng từng cơn, dữ dội… cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được điều trị kịp thời, tránh để dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như trẻ bị lồng ruột, bị trĩ, bị kiết…

Xử lý khi trẻ 1 tuổi bị táo bón

Trẻ 1 tuổi bị táo bón phải làm sao là thắc mắc của nhiều phụ huynh. Khi nhắc đến việc điều trị táo bón cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Chế độ ăn của trẻ cần cân bằng đối các thành phần chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất.

Trẻ bị táo bón không nên ăn gì? Cha mẹ cần giảm các loại thực phẩm và nước uống đồ ngọt, thức ăn có chất béo để giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn.

Đảm bảo cho trẻ uống đầy đủ nước mỗi ngày. Nếu trẻ không chịu ăn trái cây, mẹ có thể xay làm nước ép hoặc sinh tố, vừa là cách bổ sung chất xơ, vừa là cách bổ sung nước cho trẻ.

Trẻ 1 tuổi bị táo bón nên được bổ sung nước ép trái cây để tăng cường chất xơ và nước cho cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Sử dụng thuốc làm mềm phân

Mẹ có thể sử dụng các loại thuốc có công dụng làm mềm phân được chỉ định dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, điều này giúp phân khi đào thải ra ngoài không gây đau đớn và xây xát cho hậu môn của trẻ.

Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ 1 tuổi bị táo bón, mẹ cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên môn, không tự ý sử dụng các loại thuốc này cho trẻ.

Tập thói quen đi vệ sinh cho trẻ

Bé 1 tuổi bị táo bón có thể do nguyên nhân trẻ nhịn đi đại tiện. Việc nhịn đi cầu quá lâu làm cho phân trở nên khô và cứng khiến cho trẻ có cảm giác đau và rát mỗi lần đi vệ sinh.

Mẹ có thể tập cho bé tự đi vệ sinh bằng cách ngồi bô từ 1 tuổi - Ảnh minh họa: Internet

Vì vậy, chúng ta nên tập cho trẻ có thói quen đi vệ sinh 1 lần trong ngày, có thể là sau bữa sáng hoặc sau bữa tối.

Cha mẹ cũng cần hướng dẫn cho bé ngồi toilet để hai đầu gối cao hơn phần hông, tốt nhất nên để bé ngồi xổm.

Thực đơn cho trẻ bị táo bón

Trẻ 1 tuổi bị táo bón nên ăn gì để nhanh chóng cải thiện tình hình khó đi tiêu, giúp hệ tiêu hoá của bé hoạt động tích cực hơn là chủ đề được nhiều bà mẹ quan tâm.

Cùng tìm hiểu các loại thực phẩm có lợi cho sức khoẻ của bé mà mẹ nên bổ sung trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày như sau:

Chuối: Ăn chuối giúp tăng cường hệ tiêu hóa, hỗ trợ phòng ngừa táo bón. Nếu mẹ đang suy nghĩ trẻ bị táo bón nên ăn gì thì chuối là lựa chọn tốt nhất.

Đu đủ: Hàm lượng chất xơ dồi dào nên đu đủ rất tốt cho hệ tiêu hóa. Vì vậy, nếu bé bị táo bón mẹ đừng quên bổ sung đu đủ trong thực đơn hàng ngày của con.

Đu đủ chín là thực phẩm cực kỳ có lợi cho trẻ 1 tuổi bị táo bón - Ảnh minh họa: Internet

: Là loại quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, giúp điều trị và phòng ngừa táo bón hiệu quả. Chính vì vậy, bơ được nhiều mẹ lựa chọn làm thực phẩm ăn dặm lý tưởng cho trẻ.

Bí đỏ: Là một loại thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao hỗ trợ điều trị táo bón hiệu quả. Bên cạnh đó, hàm lượng vitamin và khoáng chất cao là lý do bí đỏ được nhiều mẹ lựa chọn làm thực phẩm ăn dặm cho bé.

Củ khoai lang: Khoai lang là loại củ nhuận tràng hàng đầu hay được sử dụng, loại củ này vừa rẻ lại có sẵn, ăn khoai lang luộc sẽ cho hiệu quả tối đa.

Rau mồng tơi: Mồng tơi là loại rau có tính hàn (tính mát), vừa có công dụng nhuận tràng, vừa thanh nhiệt, giải độc. Mồng tơi rất dễ tìm, luôn có sẵn nên muốn thêm mồng tơi cho thực đơn không hề khó.

Sữa chua: Sữa chua luôn là thực phẩm đi đầu trong phòng ngừa chứng táo bón lâu của trẻ. Trong sữa chua có chứa probiotic, lactobacillus GG giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Nhờ vậy, làm giảm các rối loạn tiêu hóa, giúp hệ đường ruột của trẻ tốt và ổn định hơn.

Với trẻ 1 – 2 tuổi, nên cho con ăn 80g sữa chua/ngày, sau bữa chính khoảng 1 tiếng vì đây là lúc các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt nhất. Tuy nhiên cũng lưu ý không cho trẻ ăn sữa chua quá nhiều có thể dẫn tới bị tiêu chảy.

Mẹ nên cho trẻ ăn sữa chua với liều lượng phù hợp từng độ tuổi để có lợi cho hệ tiêu hoá - Ảnh minh họa: Internet

Bé bị táo bón nên uống sữa gì cũng là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh vì khi uống sữa công thức, nhiều bé có hiện tượng nóng trong, phân trở nên khô cứng nên đi đại tiện khó khăn hơn.

Để chọn loại sữa cho trẻ 1 tuổi bị táo bón, mẹ nên chú ý đến thành phần sữa. Tốt nhất là nên chọn sữa có chứa Fructooligosachrid – một loại chất xơ hòa tan, nó sẽ giúp bé nhà bạn bớt táo bón, nhuận tràng hơn.

Điều quan trọng khi chăm sóc và điều trị cho trẻ 1 tuổi bị táo bón là duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thói quen đi vệ sinh hằng ngày của trẻ. Nếu phụ huynh phát hiện những biểu hiện bất thường ở trẻ như đau nhiều ở vùng hậu môn, mệt mỏi, chán ăn, sốt… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.