Nội dung bài viết
Bước vào giai đoạn 1 tuổi, trẻ đã có thể nhận thức một cách mạnh mẽ về thế giới xung quanh. Đây là thời điểm lý tưởng để ba mẹ dạy trẻ 1 tuổi thông minh.
Thay vì la mắng hay sử dụng đòn roi, ba mẹ cần phải kiên nhẫn và thấu hiểu con để có thể giúp trẻ phát triển toàn diện các kỹ năng quan trọng. Cùng tìm hiểu các thông tin hữu ích về cách dạy trẻ 1 tuổi trong bài viết dưới đây.
1. Trẻ 1 tuổi biết làm những gì?
Bé 1 tuổi đã bắt đầu biết đi và thế giới của trẻ đã bắt đầu được mở rộng. Không còn giới hạn với những món đồ chơi quen thuộc, trẻ đã có thể tự mình di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác, phòng này sang phòng khác, đi ra ngoài sân,... để khám phá thế giới xung quanh.
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận thức được mình là ai, tỏ ra tự lập hơn trong các hoạt động vui chơi hàng ngày. Điều này cũng thể hiện được rõ nét tính cách của từng trẻ như nhút nhát, nóng nảy,... Vì vậy cha mẹ cần chú ý quan sát để có thể thấu hiểu và điều chỉnh trẻ kịp thời.
Bên cạnh đó, khả năng nhận biết xã hội và giao tiếp của trẻ cũng phát triển hơn. Trẻ 1 tuổi có thể nhận biết được những người thân trong gia đình, có thể giao tiếp và đọc hiểu các biểu hiện của ba mẹ như nụ cười, cách chau mày,...
2. Những lợi ích khi dạy trẻ thông minh từ 1 tuổi
Với những biểu hiện về tâm lý và khả năng của bé 1 tuổi như trên, ba mẹ có thể áp dụng phương pháp phù hợp để dạy trẻ 1 tuổi thông minh. Bé sẽ có thể khám phá được thế giới xung quanh, nhận biết và gọi tên các đồ vật, sự vật.
Bằng các cách dạy trẻ 1 tuổi như đọc truyện cùng bé, kể bé nghe những câu chuyện sẽ giúp bé rèn luyện khả năng tập trung.
Ba mẹ có thể cho bé đi nhà trẻ để trẻ học cùng bạn bè và bộc lộ được nhiều hơn. Với môi trường nhiều bạn bè, trẻ sẽ thể hiện rõ nét hơn tính cách của bản thân. Nhờ đó, ba mẹ có thể nắm bắt và thấu hiểu được hành vi, tính cách để có thể điều chỉnh kịp thời cách nuôi dạy để trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất.
3. Những lưu ý trong cách dạy bé 1 tuổi thông minh
Trong quá trình dạy trẻ, ba mẹ cần phải kiên nhẫn vì mỗi trẻ mỗi tính cách khác nhau. Ba mẹ hãy đồng hành cùng trẻ, khen ngợi trẻ đúng lúc để trẻ cảm nhận được sự tiến bộ và tình yêu thương của ba mẹ. Đồng thời cũng cần sự nghiêm khắc khi trẻ có những biểu hiện sai trái để trẻ biết mình đã làm sai và không tái phạm nữa.
4. Những điều cần dạy cho bé 1 tuổi
Dạy trẻ 1 tuổi thông minh là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của ba mẹ. Dưới đây là những kỹ năng quan trọng mà ba mẹ cần lưu ý để dạy cho trẻ 1 tuổi.
Phải biết khóc chính xác
Khóc phải là tín hiệu thể hiện một thông điệp cụ thể để ba mẹ kịp thời giúp đỡ trẻ. Vì vậy, ba mẹ không nên dỗ bé nín khóc ngay khi bé vừa ré lên để tránh tình trạng mè nheo, nhõng nhẽo và khóc vô tội vạ ở trẻ.
Đi đứng, ngồi và chơi sao đừng ngã
Ba mẹ hãy để trẻ ngã vài lần để rút kinh nghiệm. Sự lo lắng quá mức, giữ không cho bé ngã nhiều quá sẽ chỉ làm tăng nguy cơ bé ngã nhiều hơn và đau hơn khi không có ba mẹ bên cạnh hoặc người lớn lơ là.
Bốc ăn
Cho bé tập ăn bốc có giá trị vô cùng lớn đối với sự phát triển các kỹ năng của trẻ. Vì vậy, khi trẻ đã có thể ngồi vững, hãy cho trẻ tập bốc ăn để sau này trẻ dễ dàng tự xúc ăn hơn.
Nhận biết ba mẹ, người thân trong gia đình
Dạy trẻ 1 tuổi thông minh, nhận biết được ba mẹ và những người thân trong gia đình. Người lớn hãy thống nhất cách xưng hô cho thật chuẩn. Mẹ là mẹ, ba là ba, tránh lúc này lúc kia khiến trẻ nhầm lẫn và gặp khó khăn khi học.
Tránh xa các ổ điện và các vật nguy hiểm
Trẻ 1 tuổi khá tò mò với các đồ vật xung quanh. Vì vậy, ba mẹ cần giúp trẻ nhận biết và tránh xa những đồ vật nguy hiểm như ổ điện. Ba mẹ có thể áp dụng cách cầm tay trẻ lao về ổ điện và hét thật to để trẻ sợ ổ điện và tránh xa. Việc cố gắng giải thích ổ điện nguy hiểm là vô nghĩa vì trẻ 1 tuổi chưa có khả năng tư duy logic.
Chuẩn bị bỏ bỉm
Vào mỗi giờ nhất định trong ngày, nhất là trước khi đi ngủ và lúc vừa ngủ dậy, ba mẹ hãy tháo bỉm và cho trẻ ngồi vào bô. Hãy thực hiện đều đặn và kiên nhẫn để trẻ hình thành thói quen đi vệ sinh vào lúc chuẩn bị đi ngủ và khi vừa tỉnh dậy.
Sau khoảng vài tuần, ba mẹ tăng giờ ngồi bô cho trẻ cho đến khi trẻ vào nếp, trẻ sẽ nhận biết lúc nào cần đi tè sẽ ngồi vào bô và không tè bậy nữa. Lúc đó, ba mẹ có thể bỏ bỉm cho trẻ.
Tập chơi
Bước vào giai đoạn 1 tuổi, trẻ thường có thói quen cho đồ chơi vào miệng ngậm, cắn để khám phá nên rất dễ bị hóc. Ba mẹ cần chọn lựa những món đồ chơi to, được làm từ các chất liệu an toàn và giữ vệ sinh sạch sẽ. Hãy cho trẻ chơi thật nhiều và đừng làm phiền. Hơn nữa, trẻ cũng không thích ba mẹ lúc nào cũng vật trẻ ra hôn hít.
Ăn ngủ đúng giờ và nghiêm túc
Đừng quá lo lắng về sức khỏe, cân nặng của trẻ đến mức suốt ngày bắt trẻ ăn, ngủ. Hãy để trẻ nghỉ ngơi ít nhất 3 tiếng giữa các bữa ăn. Khi trẻ ăn, cho trẻ ngồi yên một chỗ và tập trung vào việc ăn uống.
Trẻ không chịu ăn có nghĩa là trẻ chưa đói hoặc thức ăn không ngon. Không nên để trẻ vừa chơi vừa ăn, bày trò cổ vũ để trẻ cười rồi nhét thức ăn vào miệng, có thể khiến bé bị sặc nguy hiểm.
Tập phản xạ cho trẻ
Mỗi ngày ba mẹ hãy gọi tên trẻ để tập phản xạ quay lại. Chú ý gọi trẻ bằng một tên để trẻ nhận biết là ba mẹ đang gọi mình và quay lại.
Chuẩn bị tập nói
Ba mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ để trẻ bắt chước. Chú ý không nên nói ngọng vì trẻ sẽ học theo và không nói chuẩn được. Hạn chế các thiết bị điện tử, máy tính bảng, điện thoại vì sóng điện từ không tốt cho trí não của trẻ.
Đi chơi
Việc đi chơi giúp trẻ khám phá nhiều điều mới mẻ xung quanh. Dù trẻ có thể hơi mệt nhưng ba mẹ cũng đừng quá lo lắng vì đi chơi sẽ giúp trẻ học được rất nhiều thứ.
5. Những cách giáo dục sớm cho trẻ 1 tuổi
Các trò chơi cho bé 1 tuổi phát triển kỹ năng
Ba mẹ có thể dạy trẻ 1 tuổi thông minh qua những trò chơi vui nhộn nhưng cực kỳ bổ ích sau đây:
Làm mặt hề với con: Các hành động buồn cười trên khuôn mặt như thè lưỡi, cho miệng,... sẽ giúp trẻ học được các biểu cảm ngộ nghĩnh, hài hước từ ba mẹ.
Mô phỏng âm thanh: Ba mẹ có thể mô phỏng các tiếng động, âm thanh của các sự vật xung quanh để trẻ nhận biết và bắt chước theo. Điều này cũng giúp trẻ có thính giác nhạy hơn.
Trò chơi cua bò: Sử dụng bàn tay và mô phỏng hình dáng con cua đang bò trên người. Trò chơi này sẽ giúp bé có được những phút giây thư giãn, sảng khoái và hình thành khả năng phản xạ dự đoán sự việc sắp xảy ra.
Cuộn giấy kỳ diệu: Dùng một cuộn giấy lăn tròn, vò giấy, gấp thành những thứ bé thích. Cách này sẽ giúp trẻ phát triển xúc giác và sự sáng tạo.
Chơi ú òa với bé: Trò chơi này sẽ giúp trẻ hình thành khả năng phán đoán và làm quen với việc xa cách mẹ. Đồng thời giúp trẻ cảm thấy vui vẻ, thư giãn.
Trò chơi lực hút của trái đất: Các bé 1 tuổi thường thích ném đồ vật. Ngoài việc dạy con cách nhặt lại món đồ, ba mẹ có thể để con thử trong giây lát về nguyên nhân "ném đồ" và hệ quả "đồ sẽ rơi xuống".
Chiếc hộp ảo thuật: Dùng một chiếc hộp, đặt trong đó các món đồ chơi yêu thích của trẻ. Sau đó ba mẹ hãy cùng con chơi trò tìm đồ vật.
Lắp ghép hình: Dùng các bảng nhựa hay gỗ hình con vật hay hình khối để trẻ tập ghép đúng miếng hình cho từng vị trí. Trò chơi này sẽ giúp trẻ rèn luyện kỹ năng quan sát, kiểm tra và suy đoán.
Cha mẹ là đồ chơi tốt nhất của bé: Ba mẹ có thể cùng vui chơi với trẻ như: để trẻ tự do leo trèo, vuốt ve khuôn mặt,... Cách này vừa giúp trẻ luyện tập kỹ năng thể chất vừa thắt chặt thêm tình cảm giữa ba mẹ và bé.
Cách dạy trẻ 1 tuổi tập nói qua các trò chơi
Trẻ 1 tuổi bắt đầu bập bẹ theo những âm thanh mà bé nghe được và cố gắng làm theo. Dạy trẻ 1 tuổi thông minh, biết nói sớm với nhiều trò chơi đơn giản như đọc sách, kể chuyện. Cách này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ của mình.
Soi gương kỳ diệu: Chỉ với một chiếc gương nhỏ, trẻ sẽ nhận biết được sự khác biệt giữa các khuôn mặt của ba, mẹ và bé trong gương. Ba mẹ hãy giới thiệu cho bé tên của ba mẹ và bé để bé nói theo.
Đọc sách cùng bé: Đây là hoạt động tuyệt vời giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, ghi nhớ, trí tưởng tượng,... Những trẻ đọc sách sớm sẽ có sự phát triển trí não vượt trội và nói sớm. Vì vậy, ba mẹ hãy chọn lựa những cuốn sách phù hợp với từng giai đoạn của trẻ và đọc sách cùng trẻ hàng ngày như một thói quen.
Quan sát thế giới xung quanh: Cho trẻ đi dạo và miêu tả cho trẻ những sự vật xung quanh như chú chim đang bay, bông hoa màu vàng,... Điều này sẽ giúp trẻ tăng vốn từ vựng và ghi nhớ thông tin hiệu quả.
Hát các bài hát vui nhộn: Âm nhạc sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh và thông minh hơn. Ba mẹ nên thường xuyên hát cho bé nghe các bài vui nhộn gắn liền với sinh hoạt hàng ngày của trẻ.