Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue. Đây là bệnh lây truyền khi muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt.

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Khi mắc bệnh sốt xuất huyết lâm sàng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Tùy theo từng mức độ khác nhau, biểu hiện nhận diện sốt xuất huyết cụ thể như sau:

Triệu chứng khi mắc sốt xuất huyết nhẹ

Biểu hiện mắc sốt xuất huyết nhẹ là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:

  • Người bệnh sốt cao, có thể lên đến 40,5 độ C;
  • Xuất hiện đau đầu nghiêm trọng;
  • Biểu hiện đau phía sau mắt;
  • Biểu hiện đau khớp và cơ;
  • Biểu hiện buồn nôn và ói mửa;
  • Xuất hiện các nốt phát ban.
  • Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1 - 2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.

Triệu chứng khi bệnh sốt xuất huyết nặng

Ở mức độ sốt xuất huyết nặng sẽ có các biểu hiện sốt xuất huyết ở mức độ nhẹ, kèm theo các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp, thậm chí gây tử vong.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn truyền virus Dengue gây ra.

Biểu hiện khi mắc hội chứng sốc sốt xuất huyết

Sốc sốt xuất huyết Dengue là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết – bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 - 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Sốc sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em, có tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Vấn đề đặt ra nếu mắc sốt xuất huyết đã hết sốt thì đã khỏi bệnh chưa. Bởi lẽ người bệnh có thể sốt kéo dài trong vòng 4 - 7 ngày, tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi, sau đó bệnh bệnh sẽ đỡ.

Tuy nhiên, thường sau từ 2 đến 5 ngày, tức là vào giai đoạn hạ sốt, phần lớn người bệnh đã hết sốt và cảm thấy đỡ khó chịu trong người, nhưng đây lại là thời điểm một số người bệnh có thể gặp nguy hiểm, nên cần phải kiểm soát bệnh chặt chẽ.

Ở thời kỳ này, virus Dengue đã làm hệ miễn dịch suy yếu đi rất nhiều, tùy vào mức độ cũng như biến chứng của bệnh có thể dẫn đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, thậm chí tử vong. Chính vì vậy, đây là giai đoạn cần được bác sĩ theo dõi sát sao.

Tóm lại: Nhận biết sốt xuất huyết sớm sẽ giúp cho việc theo dõi người bệnh được sát, điều trị kịp thời các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, phát hiện sớm sốt xuất huyết là yếu tố vô cùng quan trọng.

Gần như tất cả các trường hợp bị sốt xuất huyết đều khởi đầu bằng triệu chứng sốt cao, không có sốt thì không phải bệnh sốt xuất huyết. Do đó, khi có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ tới nặng:

+ Độ 1: Sốt nhẹ, chưa có triệu chứng xuất huyết. Khi sốt xuất huyết độ 1 sẽ được điều trị chăm sóc tại nhà theo đơn, có hẹn ngày tái khám của các bác sĩ.

+ Độ 2: Sốt, có thể sốt cao và có triệu chứng xuất huyết. Với độ 2, tùy trường hợp, có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ, hoặc nhập viện nếu xét thấy cần thiết.

+ Độ 3: Bắt đầu có biểu hiện sốc.

+ Độ 4: Tình trạng sốc nặng.

Những trường hợp độ 3 và 4 nhất thiết phải nhập viện ngay. Vì vậy, quan trọng nhất là cần theo dõi tại nhà, vì không phải tất cả khi mắc sốt xuất huyết đều phải nhập viện điều trị.