Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Văn Lợi Em, Trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết bệnh nhân khoảng 30 tuổi, đã có gia đình. Trong một lần đi massage, người này được nhân viên dùng miệng tiếp xúc với vùng kín.

Sau khoảng 3 ngày, bệnh nhân có cảm giác ngứa, đi tiểu rát buốt và vùng kín tiết dịch mủ nên đến bệnh viện khám.

Sau khi làm xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán viêm niệu đạo do lậu. Khi biết tin, bệnh nhân trở nên mất tự tin và cảm thấy mặc cảm khi giao tiếp và gặp gỡ người khác vì sợ người khác có thể phát hiện và đánh giá xấu về mình.

“Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân còn than phiền là thỉnh thoảng có cảm giác ngứa râm ran ở vùng lỗ tiểu. Mỗi lần như vậy, bệnh nhân thường đi vào bệnh viện và xin được xét nghiệm lại để kiểm tra xem vi khuẩn lậu đã hết hay chưa”, bác sĩ Lợi Em chia sẻ.

Đến khi bệnh nhân xin xét nghiệm lần thứ 3, bác sĩ cảm thấy ông có sự lo âu quá mức nên đã dành thời gian giải thích rõ hơn về căn bệnh lậu, đồng thời khẳng định rõ các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không còn bị bệnh.

Tuy nhiên, người đàn ông vẫn còn khăng khăng là mình vẫn còn bệnh và tiếp tục nài nỉ xin được làm xét nghiệm, bác sĩ Lợi Em đã chủ động hội chẩn và giới thiệu bệnh nhân sang thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Sau đó, người này đã được điều trị bằng thuốc kết hợp với tư vấn tâm lý ở chuyên khoa tâm thần với chẩn đoán là theo dõi rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

“Bệnh lây qua đường tình dục STD có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm thần của bệnh nhân một cách đáng kể và với nhiều biểu hiện khác nhau. Do đó, xu hướng tiếp cận điều trị các bệnh STD hiện nay là tiếp cận toàn diện, không chỉ điều trị bệnh mà còn phải quan tâm những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khoẻ tâm thần của người bệnh”, bác sĩ Lợi Em nhấn mạnh.