Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là tình trạng một số chất trong nước tiểu không được đào thải ra ngoài mà kết tủa thành từng viên sỏi trong thận. Đây là căn bệnh thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, trong đó người cao tuổi chiếm tỉ lệ cao hơn.

Sỏi thận là tình trạng một số chất trong nước tiểu không được đào thải ra ngoài mà kết tủa thành từng viên sỏi trong thận - Ảnh minh họa: Internet

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận: Nhiễm độc, dùng nhiều thuốc chứa vitamin C, canxi không đúng cách,... Điều này tạo ra nhiều sản phẩm chuyển hóa trung gian của vitamin C là axit oxalic, trong thời gian dài sẽ tích tụ thành sỏi thận (sỏi oxalat canxi).

Một số bệnh lý khác, đặc biệt là bệnh gout cũng góp phần làm tăng lượng canxi, oxalate, axit uric trong nước tiểu cũng dễ dẫn đến sỏi thận. Ngoài ra, sỏi thận còn có nguyên nhân từ chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý (lạm dụng vitamin C, canxi, uống không đủ nước,...).

Bổ sung vitamin C không đúng cách cũng có thể gây sỏi thận - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh sỏi thận còn có thể do dị dạng đường tiểu hay một số bệnh liên quan đến đường tiểu (u xơ tiền liệt tuyến, sỏi bàng quang,...) gây cản trở quá trình lưu thông nước tiểu, dẫn đến ứ đọng và tạo ra sỏi.

Triệu chứng của sỏi thận

Khi bị sỏi thận, người bệnh thường có triệu chứng đau ở vùng thắt lưng đi cùng với rối loạn tiểu, đầy hơi, đau bụng,... khi cử động mạnh, đi xe vào đường gồ ghề. Trong trường hợp đau bụng, cơn đau sẽ dữ dội (đau quặn thận), xuất phát từ niệu quản xuống đến gò mu, xuyên ra vùng hông và lưng.

Khi bị sỏi thận, người bệnh thường có triệu chứng đau ở vùng thắt lưng đi cùng với rối loạn tiểu, đầy hơi, đau bụng,... - Ảnh minh họa: Internet

Một số trường hợp do sỏi nằm ở vị trí bể thận nên dù sỏi có kích thước lớn nhưng chỉ xuất hiện cơn đau âm ỉ. Nếu sỏi to làm tắc đường tiểu khiến nước tiểu không thoát ra ngoài được, sẽ xuất hiện cơn đau thắt từng cơn. Cơn đau xuất phát từ hai hố thắt lưng, lan ra bụng, xuống bụng dưới rồi xuống đùi.

Bên cạnh triệu chứng đau, người bị sỏi thận thường tiểu buốt, tiểu rắt,... Cũng có thể tiểu ra máu do sỏi di chuyển và ma sát gây tổn thương cơ quan hệ tiết niệu.

Bệnh sỏi thận để lâu dài sẽ gây tổn thương thận, suy thận, nguy kịch đến sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Khi bị sỏi thận kèm theo bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nhân sẽ có thể tiểu đục (nước tiểu có mủ) và tiểu ra sỏi. Nếu người bệnh sốt cao đi cùng các triệu chứng đau thắt lưng, tiểu buốt, nước tiểu đục,... đây là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp. Bệnh sỏi thận để lâu dài sẽ gây tổn thương thận, suy thận, nguy kịch đến sức khỏe.

Sự thật về việc chữa bệnh sỏi thận bằng quả dứa (thơm)

Nhiều người thường tìm đến các bài thuốc dân gian được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đặc biệt là bài thuốc từ quả dứa để chữa bệnh sỏi thận.

Theo đó, người bệnh được khuyên nướng quả dứa (để nguyên vỏ) sao cho chín rồi vắt lấy nước uống. Mọi người truyền tai nhau dùng theo cách này, sau 7 ngày sỏi sẽ vỡ ra và người bệnh dễ dàng thải chúng ra ngoài thông qua việc đi tiểu. Tuy nhiên, liệu việc chữa sỏi thận bằng quả dứa thực sự có hiệu quả hay không vẫn là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Mọi người truyền tai nhau dùng quả dứa trị sỏi thận, sau 7 ngày sỏi sẽ vỡ ra và người bệnh dễ dàng thải chúng ra ngoài thông qua việc đi tiểu - Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với Phụ nữ sức khỏe, ông Phạm Văn Đông, thành viên Ban chấp hành Hội Đông y phường Văn Hải, thành phố Phan Rang Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận cho biết, dân gian có sử dụng một số bài thuốc từ quả dứa để chữa bệnh sỏi thận, tuy nhiên việc hiệu quả hay không còn tùy thuộc phần lớn vào cơ địa của từng người. Tác dụng trị bệnh sỏi thận của quả dứa đối với phụ nữ cao hơn nam giới.

Theo ông việc dùng quả dứa để chữa bệnh sỏi thận chỉ nên áp dụng khi bệnh tình mở mức độ nhẹ, những viên sỏi có kích thước nhỏ. Nếu sỏi đã quá lớn, không nên quá tin tưởng vào cách điều trị dân gian từ quả dứa mà nên tìm đến y học hiện đại để được mổ, sơ cứu kịp thời.

Nếu sỏi đã quá lớn nên tìm đến y học hiện đại để được mổ, sơ cứu kịp thời - Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay, người dân thường nghe những thông tin bài thuốc được lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội và làm theo. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Ông Đông khuyên bạn nên đi khám bác sĩ, lương y để biết tình trạng sức khỏe mà kê đơn, bốc thuốc,... cho đúng tình trạng sức khỏe.