Chưa bao giờ vấn nạn trẻ bị xâm hại tình dục trở nên nóng bỏng, bức xúc dư luận như thời gian gần đây. 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.

Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao là 21,3%; gần 60% số trẻ em bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm.

Xâm hại tình dục đang là vấn nạn khiến dư luận bức xúc. Ảnh minh họa.

Con trẻ bị xâm hại tình dục sẽ khiến cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Đứa trẻ bị tổn thương cả thể chất và tinh thần, mất rất nhiều thời gian mới có thể giúp trẻ hồi phục. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách xử lý thế nào khi phát hiện con bị xâm hại. 

Để đòi lại quyền lợi cho con, cha mẹ cần hết sức bình tĩnh và làm theo chỉ dẫn dưới đây của các luật sư.

Giữ nguyên hiện trường

Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (TP.HCM) cho biết đôi khi chỉ vì quá bức xúc, cha mẹ vô tình hủy hoại chứng cứ, làm chậm quá trình tố tụng mà không biết. Điển hình như vụ việc luật sư Ngọc Nữ tiếp nhận vào tháng 6/2016, bé 8 tuổi bị ông hàng xóm xâm hại.

Cháu bé cho biết ông ta còn ghi ra mẩu giấy nhỏ dòng chữ trang web “đen” để vào máy tính. Cứ mỗi lần trước khi xâm hại, ông ta đều kêu bé xem phim “người lớn” trước.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, TP.HCM. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, khi phát hiện con bị xâm hại, mẹ bé không giữ nổi bình tĩnh đập phá máy tính và kéo cả nhà sang nhà hàng xóm, đưa tờ giấy cho ông ta xem.

Tức thì ông này xé luôn tờ giấy. Hai chứng cứ gián tiếp nhưng khá quan trọng bị mất.

Trong khi thủ phạm lại quá khôn ngoan tìm cách xóa chứng cứ. Mẹ bé trình bày thêm nhà ông hàng xóm đó có con chim sáo hay nhại tiếng người. Mỗi khi ông ta dụ con chị lên gác thường nói “bé ơi lên đây”, con chim sáo đều nhại theo. Khi vụ việc bị tố giác, ông ta đã mở lồng cho sáo bay đi.

“Đối với trẻ mới bị xâm hại thì giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không được tắm rửa, xóa dấu vết ở trên người con như vết máu, tinh dịch. Lưu lại hết những chứng cứ như hình ảnh, máy tính, điện thoại có liên quan đến việc xâm hại nhằm giúp công an phá án”, Luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh. 

Trình báo vụ việc tới công an, cảnh sát

Bên cạnh việc giữ nguyên hiện trường, cha mẹ hãy trình báo ngay với công an địa phương, công quan quận…

Nếu bắt được quả tang ngay khi xảy ra vụ việc xâm hại thì gọi ngay cho cảnh sát 113, cơ quan chức năng sẽ đến lập biên bản, xử lý rất sớm. 

Gọi ngay các đường dây nóng “kêu cứu”

Không phải ai cũng đủ hiểu biết pháp lý để xử lý vụ việc đã xảy ra. Cha mẹ hãy gọi điện nhờ sự giúp đỡ của những người hiểu biết pháp luật để vụ án được điều tra theo đúng quy trình.

Các số điện thoại cha mẹ có thể gọi đến ngay đó là:

Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: 111

Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh - xã hội: 18001567

Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069.

Ngoài ra, hiện có rất nhiều luật sư đã nhận tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho trẻ bị xâm hại.

Tại TP.HCM, cha mẹ có thể nhờ sự trợ giúp miễn phí của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): 0906 386 166.

Tại Hà Nội, Luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội (ĐT: 0943483636 – 0976693333) đã thành lập một nhóm các luật sư phản ứng nhanh hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục ở nhiều tỉnh thành phố.

Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: NVCC

Luật sư Nam cho biết, ban đầu sẽ hỗ trợ miễn phí, còn tham gia bảo vệ quyền và lợi ích tại các cơ quan tiến hành tố tụng khi vụ án được khởi tố thì chi phí tuỳ trường hợp. Nếu khó khăn hoặc gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số sẽ miễn phí.

“Tốt nhất cha mẹ hãy nhờ sự tư vấn, vào cuộc của luật sư để được hỗ trợ cách thức trình báo, bảo vệ hiện trường, bảo vệ chứng cứ, các vết tích trên cơ thể. Nếu gần, chúng tôi sẽ cử luật sư đến trực tiếp hỗ trợ ngay”, Luật sư Thu Nam nói.

Thực hiện giám định thế nào?

Trưng cầu giám định thương tổn của trẻ khi bị xâm hại tình dục là một bước vô cùng quan trọng để lật tẩy hành vi đồi bại của “yêu râu xanh”.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nhấn mạnh: “Khi xảy ra việc trẻ bị xâm hại, gia đình cần báo ngay với các cơ quan công an để được giải quyết, đưa trẻ đi trưng cầu giám định sớm nhất. Tuy nhiên, việc giám định phải theo quyết định của cơ quan tố tụng. 

Hãy đến bệnh viện làm hồ sơ bệnh án khám chữa bệnh tổn thương cho trẻ – nếu có để làm căn cứ sau này đề nghị làm tố tụng. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ xem xét, xác minh và đưa đi trưng cầu giám định.

Cá nhân không tự ý đến bệnh viện yêu cầu giám định, bởi việc này vượt quá chức năng nghiệp vụ thì bệnh viện có thể từ chối”.  

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội. 

Nơi thực hiện giám định đó là:

Các cơ quan giám định gồm Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự của Bộ Công an, trung tâm pháp y các tỉnh, TP trực thuộc trung ương…

Trung tâm Pháp y tại TP.HCM: 336 Trần Phú, phường 7, quận 5, TP.HCM.

Trung tâm Pháp y tại Hà Nội: 35 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.

Viện Pháp y Quốc gia: 41 Nguyễn Đình Chiểu, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng: 1C Trần Thánh Tông, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hồ sơ giám định cần có quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định của cơ quan điều tra.

Biên bản lời khai của bị hại, nghi can, nhân chứng.

Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ liên quan đến giám định và các hồ sơ về y tế có liên quan giám định pháp y.

Xâm hại tình dục nếu không được giải quyết thấu đáo sẽ hủy hoại cuộc đời đứa trẻ.