Ông Phương cho rằng, theo phong thủy chính phái, việc tạ mộ sau khi lập Xuân là điều hoàn toàn bình thường. Bởi quan điểm của phong thủy chính phái cho rằng sự thành tâm, tưởng nhớ tổ tiên mới là điều quan trọng nhất.
Khi tạ mộ cuối năm không cần phải quá cầu kỳ nhưng thể hiện được sự trang trọng và thành tâm.
Chuyên gia Phùng Phương cũng đặc biệt lưu ý các gia đình khi đi tạ mộ cần phải chú ý những điều sau:
- Khi tạ mộ cuối năm, các gia đình sẽ cần dọn dẹp sạch sẽ khu vực mộ phần cũng như xung quanh cho thoáng đãng.
- Nếu là mộ đất có thể đắp lại nấm cho đầy đặn, cắt hết cỏ dại, cây hoang mọc trùm lên mộ.
- Tiếp đó là việc cúng khấn tạ mộ cuối năm ở miếu thần linh và mộ phần người thân của gia chủ. Nếu ở nghĩa trang không có miếu thần linh, ta sẽ làm lễ cúng thần linh ở khoảng đất trống bên cạnh mộ.
- Sau khi làm xong lễ cúng, thỉnh cầu vong linh tiền tổ về đón năm mới cùng gia đình, chủ nhân nên đi thắp hương cho các cụ trong dòng họ nhà mình cũng như những ngôi mộ gần bên mộ nhà mình cho ấm cúng, thể hiện lòng thành kính với bề trên và các vong linh.
- Khi nghĩa trang có những nấm mồ vô chủ, không ai thăm hỏi, ta cũng nên phát thiện tâm, thắp nén nhang với tâm chân thành.
Những ngày cuối năm quý Mão, chuyên gia Phùng Phương tư vấn, mọi người có thể đi tạ mộ vào ngày 24 tháng Chạp tức 03/02/2024; ngày 27 tháng Chạp tức 6/02/2024; ngày 29 tháng Chạp tức 08/02/2024.
Tạ mộ cuối năm là nét đẹp văn hóa của người Việt
Lễ cúng tạ mộ là một nét đẹp truyền thống lâu đời của người Việt, việc làm này nhằm thể hiện đạo hiếu của con cháu đối với tổ tiên và những người đã mất. Đại đức Thích Trí Thịnh – trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình cho biết, vào những ngày cuối năm có rất nhiều nghi lễ diễn ra, trong đó tạ mộ cuối năm là việc gia đình nào cũng nên làm.
Theo đại đức Thích Trí Thịnh, thông thường tạ mộ sẽ được làm vào 1 hoặc 2 tuần cuối trước khi bước sang một năm mới để mời các chân linh thân nhân của gia đình về nhà đón Tết vui xuân cùng con cháu. Nhiều gia đình cho rằng đây cũng là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ.
Nếu gia đình nào không có điều kiện thường xuyên chăm sóc các mộ phần thì đây là dịp để các con cháu tu tạo lại phần mộ ông bà tổ tiên, người thân như dọn dẹp cỏ, quét lại sơn, sửa sang mộ phần sạch đẹp vào dịp cuối năm.
Tạ mộ cuối năm là nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Việc làm này đã trở thành nét phong tục của người Việt. Tục ngữ Việt Nam có câu "cao nấm ấm mồ", sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất. Truyền thống tâm linh người Việt tin rằng, khi năm mới đến tất cả mọi thứ đều phải được chuẩn bị, sửa sang cho mới mẻ, kể cả nơi an nghỉ của ông bà, người thân, như vậy mới trọn vẹn, an vui.
Lễ tạ mộ cuối năm không cần quá cầu kỳ, không cần mua thật nhiều vàng mã, chỉ cần tỏ tấm lòng thành, thắp nén tâm nhang dâng cúng đến tổ tiên, người đã khuất là đủ. Theo phong tục cổ truyền, người Việt thường có tục rước vong linh ông bà vào trưa ngày 30 âm lịch, sau đó đến trưa mùng 3 hoặc mùng 4 sẽ làm mâm cơm tiễn vong linh ông bà tùy theo tập quán ở mỗi địa phương và nếp sống của mỗi gia đình.
Thường thì ngày tiễn vong linh ông bà cũng là ngày cuối cùng của những ngày nghỉ ngơi vui Tết, mọi người trong gia đình lại quay trở về với công việc, cuộc sống thường nhật với lòng tin là sẽ được tổ tiên phù hộ cho những ngày tiếp sau đó.