Dịp Tết Nguyên đán, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng gấp nhiều lần lần so với ngày thường, trong khi nhiều mặt hàng như thực phẩm đóng hộp các loại, thị trường bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái, vì vậy nguy cơ gây ngộ độc dự báo là rất cao nên người tiêu dùng phải cẩn thận.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho hay, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ra ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như: Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không bảo đảm vệ sinh.

Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có chứa hóa chất và mùi lạ, không rõ hạn dùng và các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc cũng có nguy cơ cao gây ngộ độc... Như vậy, có thể thấy an toàn thực phẩm ngày Tết là vấn đề hết sức quan trọng, cần được người dân quan tâm.

An toàn thực phẩm ngày Tết là vấn đề hết sức quan trọng, cần được người dân quan tâm. Ảnh Báo Nhân Dân

An toàn thực phẩm ngày Tết là vấn đề hết sức quan trọng, cần được người dân quan tâm. Ảnh Báo Nhân Dân
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, tốt nhất người tiêu dùng khi mua hàng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc, ghi nhãn mác xuất xứ rõ ràng, địa chỉ và cơ sở sản xuất uy tín, được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, có đăng ký của cơ quan quản lý. Đối với thực phẩm tươi ở chợ, chú ý lựa chọn những thực phẩm sạch, không ươn, thiu.

Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, các chuyên gia cũng lưu ý đến vấn đề sử dụng. Thức ăn cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ thích hợp và được nấu chín trước khi ăn. Với thực phẩm rau sống, cần rửa kỹ, ngâm nước muối sát khuẩn. Ngoài ra, cần rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Đặc biệt, không nên ăn thức ăn qua đêm hay thức ăn không được bảo quản kỹ, thức ăn chuyển màu, ôi thiu. Không ăn gỏi các loại thịt và hải sản tươi sống bởi đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nhiều vụ ngộ độc.

Tết là thời điểm các gia đình, đặc biệt nam giới uống nhiều rượu bia, các chuyên gia khuyến cáo nam giới nên uống một ngày không quá 50 ml (loại rượu 40 độ). Còn với bia không uống quá 400 ml. Nữ giới không uống quá nửa mức tối đa của nam.

“Vì tác nhân gây độc đa dạng nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày”, bác sĩ Nguyên nói.

Bảo quản thực phẩm là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng tránh ngộ độc. Ảnh Pháp Luật TP Hồ Chí Minh

Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không... xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể khó thở, da tím tái, co giật, trụy mạch, ngưng thở, hôn mê. Việc áp dụng các nguyên tắc trong vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đang tăng cao.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh về đường tiêu hóa, theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng cần tuân thủ các nguyên tắc an toàn thực phẩm như chọn mua thực phẩm an toàn, chú ý khâu chế biến và bảo quản. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, phải ngưng sử dụng, đồng thời niêm giữ toàn bộ thức ăn đó lại để xác minh, báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, đồng thời đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện để xử trí kịp thời. 

Ngoài ra, để tránh lây nhiễm ngộ độc cho người khác, cần vệ sinh, tẩy uế khu vực người bị ngộ độc thực phẩm sinh hoạt và thực hiện chế độ cách ly nghiêm ngặt, đề phòng sự lây lan của dịch bệnh. Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, nhặng, gián, chuột và các hướng dẫn vệ sinh phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của ngành Y tế.