Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế Bộ Y tế cho biết những loại hoa quả này để lâu, lên men, khi ăn nhiều dễ để lại cồn trong cơ thể. Chính điều này khiến nhiều người lo lắng sẽ bị "dính" nồng độ cồn nếu không may bị yêu cầu thổi máy.
Ông Quang khẳng định: Cồn trong các loại hoa quả này chuyển hóa hết sau thời gian ngắn.
"Chỉ sau 30-60 phút tùy theo lượng dùng, cơ thể sẽ hết lượng cồn trong máu và khí thở vì hàm lượng rất nhỏ" - TS Nguyễn Huy Quang cho hay.
BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Nếu không may ăn phải những đồ ăn, thức uống (siro, dung dịch sát khuẩn...) có ethanol thì ít nhất nên đợi 15- 30 phút mới tham gia giao thông.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho biết về mặt lý thuyết một số ít hoa quả để lâu lên men có thể có chút ít nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo ông Minh, không ai mua hoa quả về để lên men mới ăn và nếu vô ý ăn thì phải tới hàng kg lượng cồn mới ở mức đáng kể, bởi vậy điều đó rất khó xảy ra.
Thiếu tá Đào Việt Long - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, đến nay tại Hà Nội chưa thấy trường hợp nào giải thích do uống siro hay ăn hoa quả mà có nồng độ cồn. Nhiều người đưa ra ví dụ ăn hoa quả vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa có trường hợp nào cảnh sát giao thông phát hiện ra trên thực tế.
Những người làm luật và thi hành Luật cho hay công dân có quyền giải trình về hành vi của mình trong mọi hành vi.
"Nếu bạn không uống rượu, bia thì chúng tôi không bao giờ xử lý bạn. Bên cạnh đó, người được kiểm tra nồng độ cồn được phép thổi lại lần 2 và chúng tôi luôn tạo điều kiện cho họ thổi lại nếu muốn chứng minh không uống rượu, bia mà bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác", ông Long cho biết.
Nếu sử dụng với số lượng lớn hoa quả trên đến mức vượt qua mức nồng độ cồn bằng 0, các chuyên gia y tế khuyên nên nghỉ ngơi 15-20 phút hãy lái xe. Còn khi được yêu cầu thử nồng độ cồn thì hoàn toàn có quyền giải thích và yêu cầu thổi lại lần 2 sau 15 phút khi nồng độ cồn trở lại bằng 0.