Chế biến thịt, hải sản ở nhiệt độ cao

Chế biến thịt, hải sản ở nhiệt độ cao sẽ làm biến đổi protein bên trong, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe. Vì vậy, nên giảm nhiệt độ khi chế biến các món ăn trên. Bên cạnh đó, việc ướp gia vị trước khi chế biến cũng có tác dụng giảm thiểu các chất gây ung thư.

Cắt nhỏ thịt ngay sau khi nấu xong

Bạn cảm thấy quá đói và muốn thưởng thức ngay món thịt vừa chế biến ngay sau khi tắt bếp. Bạn cắt (thái) thịt ngay lập tức mà không chờ thêm một khoảng thời gian để thịt nguội.

Điều này làm một lượng dinh dưỡng đáng kể trong thịt bị mất đi bởi cắt nó quá sớm sẽ khiến phần nước bên trong tràn ra ngoài mà không kịp ngấm kĩ.

Sau khi nấu, hãy để miếng thịt từ 10-15 phút, cho nước được ngầm đều vào từng thớ thịt rồi mới đem đi thái nhỏ.

Đun dầu ăn quá nóng

Thông thường, bạn sẽ cho dầu vào trước rồi bật lửa để cho bếp nóng lên. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta hay tranh thủ làm những công đoạn khác.

Khi có làn khói xuất hiện, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp để thêm nguyên liệu vào.

Thao tác này mang tính phản khoa học bởi khi đun dầu quá nóng, các phân tử trong đó bắt đầu bị phá vỡ, phá hủy chất chống oxy hóa có lợi của dầu và hình thành các hợp chất có hại.

Hãy thay đổi thói quen này bằng cách làm nóng dầu vừa phải trước khi nấu nướng thực phẩm.

Nướng thịt cháy một chút mới thơm ngon

Không ít người có sở thích ăn bún chả, thịt xiên nướng... thì phần thịt nướng phải hơi cháy một chút mới thơm ngon. Thế nhưng đây lại là thói quen không tốt, đẩy bạn đến con đường ung thư sớm.

Lý do là bởi khi nướng thịt, phần mỡ trong thịt tan chảy xuống than tạo nên khói độc ám vào miếng thịt, dễ tạo ra chất gây ung thư và các bệnh về đường hô hấp. Phần thịt cháy đen tuyệt đối không được ăn.

Chế biến tỏi ngay sau khi đập dập, băm nhỏ

Nếu bạn có thói quen chế biến tỏi ngay sau khi đập dập, băm nhỏ thì nên thay đổi bằng cách đợi khoảng 5 phút. Thời gian này là cần thiết để diễn ra quá trình chuyển đổi alliin với allicin trong tỏi, rất tốt cho sức khỏe.

Điều đặc biệt là quá trình này chỉ diễn ra khi đã đập dập và băm nhỏ, vì vậy, nếu bạn chế biến luôn sẽ không đủ thời gian để phản ứng xảy ra.

Ngâm thịt trong nước để rã đông

Do bận rộn công việc nên nhiều người có thói quen đi chợ một lần ăn trong cả tuần. Thịt dự trữ trong ngăn đá đông cứng, muốn ăn chắc chắn phải rã đông.

Nhưng nhiều người lại rã đông không đúng cách gây nhiễm khuẩn thịt, gây hại cho sức khỏe. Có người ngâm thịt trong nước hay để ngoài nhiệt độ thường rã đông. Những cách này đều sai lầm.

Nếu ngâm thịt trong nước hay để rã đông trong nhiệt độ phòng sẽ tạo cơ hội cho vi trùng, vi khuẩn có cơ hội phát triển, xâm nhập vào thực phẩm. Cách rã đông đúng nhất là bạn nên chuyển thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát và chờ khi tan đá thì chế biến ngay.

Tin liên quan