Tôm có hàm lượng calo thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng. Ảnh: Snapp.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết tôm có hàm lượng calo thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng. Loại hải sản này chủ yếu được tạo thành từ protein và nước. Trung bình, dinh dưỡng 100 g tôm nấu chín có:

  • Năng lượng: 99 calo
  • Chất béo: 0,3 gram
  • Carbs: 0,2 gram
  • Cholesterol: 189 miligram
  • Natri: 111 miligram
  • Protein: 24 gram

Ngoài ra, tôm cung cấp hơn 20 loại vitamin và khoáng chất, nổi bật trong đó bao gồm: I-ốt, vitamin B12, photpho, đồng, kẽm, magiê, canxi, kali, sắt, mangan...

"Người dân thường truyền miệng rằng khi bị ho không nên ăn tôm. Tuy nhiên, đây là quan điểm chưa chính xác. Ho là do bệnh lý, không phải từ ăn uống", bác sĩ Hoài Thu nói.

Bạn bị ho khi ăn tôm có thể nguyên nhân là phần vỏ và càng của chúng. Khi ăn tôm, nếu không bóc vỏ, bỏ càng, chúng dễ mắc ở cổ họng, gây ngứa và có thể dẫn đến ho.

Phần thịt tôm hay cua, cá hoàn toàn không phải nguyên nhân gây ra triệu chứng ho. Ngược lại, tôm, cua, cá rất giàu thành phần chất đạm và dễ tiêu hóa.

Bạn bị ho khi ăn tôm có thể nguyên nhân là phần vỏ và càng của chúng. Ảnh: Freepik.

Người bị ho nên chú ý bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của mình một số nhóm thực phẩm sau:

Nhóm thực phẩm lỏng, dễ nuốt

Người bị ho nên ăn các loại thức ăn mềm, lỏng giúp dễ nuốt và tránh kích ứng cổ họng. Những thực phẩm này sẽ giúp bạn ăn uống dễ dàng hơn, đồng thời tránh gây tổn thương cũng như kích thích niêm mạc cổ họng gây ho. Nhờ đó, chúng sẽ góp phần làm giảm nhanh chóng những cơn đau rát cổ họng do ho.

Bạn nên bổ sung những thực phẩm lỏng, mềm nhưng vẫn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như súp, các loại cháo loãng, nước luộc rau củ... sẽ giúp cải thiện tình trạng này.

Nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là nguyên nhân phổ biến gây tình trạng ho. Do đó, khi bị ho, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm. Đây là những chất đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, thải độc.

Từ đó, chúng giúp đẩy lùi các bệnh đường hô hấp do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Khi nguyên nhân gây ho được loại bỏ, tình trạng ho của bạn cũng sẽ được cải thiện.

Các thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm tốt cho người bị ho có thể kể đến như thịt lợn, thịt bò; các loại rau củ như súp lơ, rau cải, cà rốt, cà chua, cam, chanh, bưởi, dứa, kiwi, ớt chuông đỏ…

Tuy nhiên, nếu nguyên nhân bị ho là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bạn nên tránh các loại trái cây chứa nhiều acid trong nhóm thực phẩm này như quả họ cam, quýt, dứa… Việc này tránh làm nặng thêm tình trạng trào ngược và gây ho.

Nhóm thực phẩm kháng viêm

Các loại thực phẩm giàu tính kháng khuẩn, kháng viêm cũng có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện bệnh về hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra. Nhờ đó, chúng làm dịu triệu chứng ho do các bệnh lý này.

Một số thực phẩm có tính kháng viêm, kháng khuẩn cao bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn của mình như mật ong, tỏi, tía tô, hành tây, gừng, hẹ… Ngoài ra, các loại ngũ cốc nguyên hạt và giàu omega 3 như cá béo cũng giúp giảm viêm, giảm đau họng do ho.