Hướng dẫn cha mẹ cách chăm sóc trẻ sốt virus tại nhà để con nhanh chóng khỏi bệnh
Thời tiết cuối thu đầu đông là thời điểm thích hợp cho virus phát triển mạnh. Đặc biệt là trong những ngày qua, thường có tình trạng nắng mưa thất thường, trời nồm ẩm, các mầm bệnh cho trẻ em có cơ hội được bùng phát, trong đó có sốt virus.
Sốt virus là gì?
Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt cao - trên 37độ C, khi cặp nhiệt độ tại nách, khi cặp nhiệt độ ở hậu môn hoặc miệng, có thể tăng thêm 0,5 – 1 độ C. Sốt là phản ứng của hệ thống bảo vệ cơ thể trước các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài. Phản ứng này giúp cơ thể chúng ta ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh (thường là vi khuẩn và virus).
Sốt virus ở trẻ hay còn gọi là sốt siêu vi là tình trạng sốt do trẻ bị nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Có nhiều tác nhân gây sốt siêu vi, điển hình là Rhinovirus, Adenovirus, virus cúm,...
Nguyên nhân sốt virus ở trẻ là do sức đề kháng của trẻ còn non yếu nên rất dễ bị virus xâm nhập khi tiếp xúc với người bệnh. Virus rất dễ lây từ người này sang người khác một cách nhanh chóng và dễ dàng bùng phát thành dịch.
Biểu hiện trẻ bị sốt virus
Sốt virus ở trẻ có triệu chứng tương tự với một số bệnh khác nên cha mẹ cần phải chú ý theo dõi bệnh của bé để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Dấu hiệu trẻ bị sốt virus như sau:
Sốt: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, thân nhiệt cơ thể bé trên 38,5 độ C hoặc có khi tăng cao lên 40 – 41 độ C.
Đau đầu: Sốt virus sẽ khiến bé bị đau đầu, choáng váng đầu óc, nhức đầu mệt mỏi. Ngoài ra bé cũng có thể bị đau nhức toàn cơ thể.
Viêm đường hô hấp: Sốt virus cũng gây ra viêm họng, ho, sổ mũi, hắt hơi liên tục.
Nôn: Hiện tượng nôn có thể xảy ra sau khi bé ăn hoặc bé cũng thể bị nôn khan.
Khát nước: Bé sẽ có cảm giác miệng đắng, cổ họng khô, thèm uống nước và chán ăn.
Phát ban: Sau 2-3 ngày sau khi sốt, da bé có thể bị nổi những nốt ban nhỏ li ti.
Viêm hạch: Đầu, cổ có thể xuất hiện hạch do bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
Rối loạn tiêu hóa: Bé có thể bị tiêu chảy khi bị sốt virus.
Nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn với dấu hiệu đặc trưng: sốt cao theo từng cơn, co giật, hôn mê và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của trẻ.
Sốt virus ở trẻ em kéo dài bao lâu? Sau 16 đến 48 giờ kể từ khi bị nhiễm virus, bé sẽ có những triệu chứng bệnh đầu tiên. Bệnh sẽ thuyên giảm và hết hẳn sau 5 – 7 ngày điều trị. Vì vậy, khi phát hiện con mình bị sốt virus, cha mẹ nên cho con nghỉ học ở nhà để nghỉ ngơi cũng như tránh tình trạng lây bệnh cho trẻ khác.
Cách điều trị và chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà
Điều khiến các bậc phụ huynh lo lắng nhất khi trẻ bị sốt virus đó là thân nhiệt khó hạ. Thông thường, ngay sau khi uống thuốc hạ sốt, thân nhiệt trẻ có thể giảm, nhưng chỉ thời gian ngắn sau là các bé lại sốt cao trở lại.
Lúc này, nhiều cha mẹ vội vã cho con dùng kháng sinh, mà không biết rằng việc này khiến cơ thể trẻ mệt mỏi hơn do kháng sinh không có tác dụng với virus. Tình trạng dùng kháng sinh bừa bãi sẽ khiến bệnh của trẻ lâu khỏi hơn và khó chữa hơn ở những lần mắc bệnh sau.
Cách điều trị cho trẻ sốt virus ở nhà đó là hạ thân nhiệt tránh trẻ sốt cao co giật và giúp trẻ tăng sức đề kháng. Theo đó, để điều trị có hiệu quả các bậc phụ huynh hãy làm theo hướng dẫn sau:
Theo dõi nhiệt độ
Bạn có thể đặt nhiệt kế ở nách hoặc hậu môn của trẻ. Nếu kiểm tra nhiệt độ ở nách, cha mẹ phải cho bé kẹp nhiệt kế tối thiểu 3 phút. Nhiệt độ của trẻ sẽ là số ghi trên nhiệt kế cộng thêm 0,3 – 0,4 độ C. Ví dụ nếu nhiệt kế ghi 38 độ C thì thân nhiệt thực sự của trẻ là khoảng 38,4 độ C.
Hạ sốt
Không nên cho trẻ uống thuốc ngay khi trẻ vừa sốt. Việc vội vàng cho con uống thuốc hạ sốt ngay khi bé vừa sốt vô tình khiến cơ chế phòng vệ của cơ thể con không có cơ hội “đối mặt” với các tác nhân gây bệnh, ghi nhớ nó để hình thành cơ chế phòng vệ.
Nếu bé sốt dưới 38, 5 độ C chúng ta có thể chườm nước ấm cho bé để hạ nhiệt cơ thể. Đầu tiên, cởi hết quần áo trẻ, dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, vắt hơi ráo rồi đặt 2 bên nách và 2 bên háng trẻ, chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau khắp người trẻ. Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu giúp làm mát cơ thể.
Nếu bé sốt trên 38,5 độ C thì cần dùng thuốc hạ sốt paracetamol để tránh trường hợp trẻ sốt cao co giật. Bạn cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 – 15mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu vẫn còn sốt. Bạn nên cho trẻ dùng 3 – 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg thể trọng/ngày.
Lưu ý mẹ không cho trẻ dưới 3 tháng tuổi dùng thuốc hạ sốt nếu như không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Cho trẻ mặc đồ thoải mái, thông thoáng để cơ thể thoát bớt nhiệt giúp trẻ hạ sốt, không ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo cho trẻ.
Bù nước và điện giải
Sốt cao có thể khiến bé bị mất nước và mất cân bằng điện giải. Mẹ cần đảm bảo con uống đủ nước, đối với các bé bú mẹ chúng ta có thể tăng tần suất bú, đối với các bé lớn hơn có thể cho con uống Oresol để bù nước và điện giải.
Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng
Khi trẻ bị sốt virus mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như súp, cháo. Mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần trong ngày để bé có thể ăn được nhiều hơn. Đồng thời nên bổ sung vào chế độ ăn của bé các loại rau, củ quả để tăng cường sức đề kháng.
Vệ sinh sạch sẽ
Tắm rửa hoặc lau người sạch sẽ cho bé trong phòng ấm, kín gió. Đồng thời mẹ nên nhỏ mũi, mắt cho bé bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
Sốt virus có nên truyền nước không là thắc mắc của nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, việc truyền dịch không có tác dụng hạ sốt, chỉ nên truyền dịch khi trẻ có thêm dấu hiệu tiêu chảy hoặc nôn dẫn đến việc cơ thể không bù được chất điện giải. Nên bổ sung nước cho trẻ bằng con đường ăn uống vẫn khoa học và hiệu quả hơn.
Lưu ý: Nếu như bé được điều trị tại nhà sau 5 ngày nhưng các biểu hiện sốt cao, nôn ói vẫn không thuyên giảm, xuất hiện co giật… thì cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế nhi khoa để được điều trị đúng đắn.
Sốt virus ở trẻ là bệnh dễ lây lan vì vậy cha mẹ nên cho trẻ mang khẩu trang khi đến những nơi đông người, chú ý giữ vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát để ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại.
Các bậc phụ huynh cần chủ động trong việc phòng và điều trị bệnh cho bé yêu, hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi nào vợ tôi cần tiêm vaccine uốn ván? Độc giả Minh Thuận
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu tiên, duy trì suốt đời.
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa. Tôi nghi ngờ bà nhiễm sán, xin hỏi bác sĩ bệnh có những dấu hiệu cụ thể nào? Độc giả Minh Đăng
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.