Hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Nhiều phụ nữ thường cảm thấy có sự thay đổi rõ rệt về mặt thể chất hoặc tâm trạng trong khoảng thời gian nữa sau chu kỳ kinh nguyệt, thời điểm sau khi rụng trứng.

Bệnh ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bình thường của người phụ nữ - Ảnh minh họa: Internet

Khi những triệu chứng như vậy xảy ra đều đặn hàng tháng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống bình thường của người phụ nữ, thì được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS - Premenstrual Syndrome).

Nguyên nhân gây hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Chưa có nghiên cứu cụ thể nào xác định nguyên nhân chính gây ra hội chứng tiền kinh nguyệt nhưng các nhà khoa học đã xác định ra 2 yếu tố chính có góp phần gây ra tình trạng này.

1. Do thay đổi nội tiết tố nữ

Các triệu chứng của hội chứng này xảy ra cùng lúc với sự thay đổi nội tiết tố nữ trước kỳ kinh. Hormon progesterone được tiết ra nhiều hơn trước khi hành kinh nguyệt và sụt giảm đáng kể sau khi bắt đầu ra máu kinh.

2. Do ảnh hưởng của Serotonin

Đây một chất dẫn truyền thần kinh được cho nguyên nhân gây ra các triệu chứng PMS. Không đủ lượng serotonin có thể góp phần gây ra trầm cảm tiền kinh nguyệt, cũng như trạng thái mệt mỏi, thèm ăn và mất ngủ.

Những yếu tố nguy cơ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm:

  • Di truyền: có người thân trong gia đình đã từng mắc hội chứng này.
  • Có vấn đề về tâm thần như lo lắng, trầm cảm.
  • Thói quen lười tập thể dục hoặc không tập thể dục đầy đủ.
  • Căng thẳng, stress quá nhiều trong cuộc sống và công việc.
  • Chế độ ăn thiếu vitamin B6, canxi và magie.
  • Sử dụng quá nhiều chất có chứa caffeine như cà phê, nước ngọt…

Triệu chứng hội chứng tiền kinh nguyệt

Hội chứng tiền kinh nguyệt có thể gây ra một số rối loạn về mặt cảm xúc, bao gồm:

  • Cảm giác phiền muộn
  • Hay giận dữ
  • Cáu gắt
  • Cảm giác lo lắng, bồn chồn
  • Hay nhầm lẫn
  • Cảm thấy bị xã hội xa lánh
  • Kém tập trung
  • Mất ngủ
  • Thường phải ngủ chợp mắt
  • Thay đổi ham muốn và nhu cầu tình dục

Các triệu chứng về thể chất liên quan đến tiền kinh nguyệt, bao gồm:

  • Thay đổi cảm giác khát nước và thèm ăn, ví dụ như thèm ăn một món nào đó
  • Ngực mềm
  • Phù và tăng cân
  • Đau đầu
  • Sưng tay hoặc chân
  • Đau nhức toàn thân
Đau nhức toàn thân cũng là một trong các triệu chứng khiến người bệnh tìm đến bác sĩ - Ảnh minh họa: Internet
  • Mệt mỏi
  • Xuất hiện các vấn đề về da
  • Xuất hiện các triệu chứng về tiêu hóa như ăn khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn…
  • Đôi khi xuất hiện đau bụng tiền hành kinh.

Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài bao lâu?

Các triệu chứng khó chịu về thể chất và cảm xúc của hội chứng tiền kinh nguyệt thường kéo dài trong khoảng từ 1 – 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt kế tiếp và sẽ biến mất ngay sau đó xuất hiện máu kinh.

Khi nào hội chứng tiền kinh nguyệt nên đến bác sĩ?

Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt, bác sĩ phải xác định được một số dấu hiệu sau đây ở bệnh nhân:

Các triệu chứng khó chịu của hội chứng tiền kinh nguyệt thường kéo dài trong khoảng từ 1 – 2 tuần - Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng xuất hiện trong vòng 5 ngày trước khi kỳ kinh mới bắt đầu và lặp lại liên tục trong ít nhất ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp.

Triệu chứng thường kết thúc trong vòng 4 ngày sau khi kỳ kinh mới bắt đầu.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân.

Nếu có thể, hãy ghi chú lại tất cả các triệu chứng đã xảy ra trong vòng 2 - 3 tháng trước khi đến thăm khám. Các dấu hiệu này xuất hiện vào những ngày nào trong tháng và thời điểm lúc bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.

Các cách làm giảm hội chứng tiền kinh nguyệt là gì?

Nếu hội chứng tiền kinh nguyệt chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ đến trung bình, tình trạng này có thể giải quyết bằng cách thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống.

Nếu các triệu chứng tiền kinh nguyệt bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh, bác sĩ có thể sử dụng thuốc - Ảnh minh họa: Internet

Điều trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Chỉ trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ mới cân nhắc cho dùng thuốc, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn.

1. Tập thể dục

Đối với nhiều phụ nữ, thực hiện thường xuyên các động tác tăng cường nhịp thở và nhịp tim sẽ làm giảm các triệu chứng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra, ngoài ra còn làm giảm mệt mỏi và ngăn ngừa xảy ra trầm cảm.

Các động tác tập thể dục, bao gồm đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe và bơi lội, giúp tăng cường chức năng tim mạch và chức năng hô hấp. Nên đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.

2. Thư giãn và giải tỏa căng thẳng

Thư giãn và giảm căng thẳng khi đang mắc hội chứng tiền kinh nguyệt - Ảnh minh họa: Internet

Hãy tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng khi đang mắc hội chứng tiền kinh nguyệt. Bác sĩ có thể đề nghị tập một số liệu pháp thư giãn để điều trị hội chứng này. Liệu pháp thư giãn thường là các bài tập thở, thiền và yoga. Bên cạnh đó, liệu pháp massage cũng là một hình thức trị liệu đơn giản khác có thể áp dụng.

3. Ngủ đủ giấc

Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng là yếu tố rất quan trọng giúp phụ nữ có đủ sức khỏe để chống lại các cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Tập thói quen đi ngủ đúng giờ, cố gắng thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm trong ngày, kể cả cuối tuần, có thể giúp giải tỏa tâm trạng căng thẳng và mệt mỏi.

Cố gắng ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ngày. Nếu bạn bị mất ngủ, hãy thử uống một ly sữa ấm, ít béo trước khi đi ngủ. Sữa giàu chất tryptophan - một loại axit amin làm tăng sản xuất serotonin, giúp điều hòa thần kinh để bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.

4. Thay đổi chế độ ăn uống

Những thay đổi đơn giản trong chế độ ăn uống có khả năng làm giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt

Nguồn carbohydrate đa dạng: một chế độ ăn giàu carbohydrate phức hợp có thể làm dịu các triệu chứng bất thường trong tâm trạng và cảm giác thèm ăn. Carbohydrate phức hợp thường được tìm thấy trong các loại thực phẩm làm bằng ngũ cốc nguyên hạt, như bánh mì ngũ cốc, mì ống và hạt ngũ cốc.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, như sữa chua và rau lá xanh, vào thực đơn hàng ngày của bạn.

Giảm lượng chất béo, muối và đường - Ảnh minh họa: Internet

Tránh tiêu thụ bia, rượu và các món có chứa cafein như trà đặc, cà phê.

Thay đổi thói quen ăn uống: chia làm 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay vì 3 bữa chính hoặc ăn ít hơn một chút trong 3 bữa ăn chính và bổ sung thêm 3 bữa ăn nhẹ.

Giữ lượng đường trong máu luôn ổn định cũng là một cách giải quyết triệu chứng.

Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung

Bổ sung canxi mỗi ngày sẽ làm giảm đi phần nào các triệu chứng về thể chất và tinh thần gây ra bởi hội chứng tiền kinh nguyệt.

Ngoài ra, magie cũng là một khoáng chất tốt cho cơ thể, hạn chế giữ nước (tình trạng phù), giảm đau bụng và các triệu chứng liên quan đến cảm xúc. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vitamin E cũng có tác dụng giúp giảm các triệu chứng của tiền kinh nguyệt.

Tuy nhiên, cần lưu ý trước khi dùng bất kỳ sản phẩm hoặc thực phẩm bổ sung nào, nên trao đổi kỹ với bác sĩ về các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Sử dụng các chất bổ sung quá liều lượng hoặc kết hợp với một số thuốc có thể dẫn đến các tác hại ngoài ý muốn.

5. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

Các loại thuốc ngăn ngừa sự rụng trứng, chẳng hạn như thuốc tránh thai nội tiết tố, có thể làm giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt liên quan đến thể chất. Tuy nhiên, không phải tất cả các thuốc này đều có khả năng làm ổn định cảm xúc của bệnh nhân.

Thuốc chống trầm cảm có thể giúp ích trong việc điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt ở một số phụ nữ. Các thuốc thuộc nhóm này giúp giảm bớt các triệu chứng bất thường về tinh thần.

Chúng thường được sử dụng 2 tuần trước khi xuất hiện dấu hiệu tiền kinh nguyệt hoặc trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm, nhưng tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn một loại thích hợp. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê đơn thuốc an thần để giúp bạn giảm cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Để giảm đau bụng tiền kinh nguyệt, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, có thể được sử dụng. Tuy nhiên, thường bác sĩ sẽ cân nhắc vì nhóm thuốc này có tác dụng phụ trên đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng.

Hội chứng tiền kinh nguyệt tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều phiền phức cho chị em phụ nữ trong cuộc sống hằng ngày. Qua bài viết trên có thể giúp các chị em nhận biết sớm hội chứng này cũng như lựa chọn các cách điều trị phù hợp với từng thể bệnh khác nhau.