40 tuổi đã bị gout
Anh Nguyễn Thái Khương (Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội) phải ăn kiêng cả tháng vừa qua khi bác sĩ cho biết anh bị gout. Anh Khương kể anh làm chủ thầu công trình nên thường xuyên phải tiếp khách, bia rượu. Gần đây, anh Khương thấy hai đốt ngón chân cái của mình bị sưng, đau đi giày rất đau khó chịu.
Anh Khương đi khám tổng quát, xét nghiệm máu chỉ số axit uric của anh Khương lên tới 8,2 mg/dl. Sau khi bị bệnh gout, bác sĩ đã tư vấn cho anh Khương phải bỏ hoàn toàn bia rượu, các thực phẩm giàu chất đạm như hải sản, thịt bò, nội tạng động vật.
Với anh Khương, việc ăn kiêng cực kỳ khó vì đặc thù công việc của mình. Ngoài ra, bản thân anh Khương cũng có tiền sử mỡ máu nên việc ăn kiêng được bác sĩ chỉ định khắt khe.
Ông Nguyễn Văn Hải – Hà Đông, Hà Nội tới bệnh viện khám vì các khớp tay, chân sưng đẫn không đi lại được. Tại bệnh viện, bác sĩ xét nghiệm chỉ số axit uric cao gấp 2 người bình thường, ở người bình thường chỉ số này từ 4,2 – 6,2 mg/dl nhưng của ông Hải lên tới 10,1 mg/dl.
Trước đó, ông Hải đi kiểm tra đã được cảnh báo bệnh gout nhưng về nhà ông Hải chủ quan không đi khám hay kiểm tra. Thậm chí, ông chưa hiểu hết về bệnh nên ăn uống không kiêng khem được dẫn tới bệnh nặng hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Cương, nguyên bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết bệnh nhân bị gout ngày càng trẻ hoá. Trước đây bệnh nhân thường ở người trên 50 tuổi thì đến nay có nhiều bệnh nhân bị gout khi chưa đến 40 tuổi.
Bệnh nhân bị gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng bệnh gout không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ dẫn tới nhiều biến chứng.
Bệnh gout kiêng gì?
Tiến sĩ bác sĩ Đoàn Huy Cường, Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh gout là do lắng đọng các tinh thể muối urat hoặc tinh thể axit uric gây viêm các khớp, thường gặp ở nam giới, tuổi từ 40 trở lên.
Bệnh thường có những đợt cấp kịch phát, tái phát nhiều lần rồi trở thành mạn tính. Các nguyên nhân gây tăng axit uric máu và bệnh gút bao gồm: Các nguyên nhân làm giảm bài tiết axit uric (bệnh thận, một số thuốc…) các nguyên nhân làm tăng sản xuất axit uricdo khẩu phần ăn và các yếu tố khác liên quan như gia đình, di truyền, tuổi, giới…
Theo bác sĩ Cường, bệnh gout thường ở nam giới nhiều hơn. Các nghiên cứu đều cho thấy nhân purin trong thực phẩm ăn vào là nguyên nhân hàng đầu gây tăng axit uric. Các purin thực phẩm khác nhau gây tăng acid uric khác nhau. Bên cạnh các thức ăn có nhân purin, uống rượu bia cũng có vai trò quan trọng làm tăng axit uric máu và cơn gout cấp.
Đặc biệt, bác sĩ Cường cho biết nguy cơ mắc gút tăng lên theo mức độ uống rượu bia, trong đó uống bia có nguy cơ cao hơn rượu. Nam giới uống nhiều rượu bia nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
Đối với bệnh nhân bị bệnh gout, chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh gout cực kỳ quan trọng. Bác sĩ Cường khuyến cáo trong chế độ ăn, người bệnh phải đảm bảo đủ chất nhưng cần thực hiện các khuyến cáo sau:
Thứ nhất, hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều nhân purin. Người bệnh tăng axit uric máu hoặc bị bệnh gút cần lựa chọn thực phẩm ở nhóm I hoặc nhóm II, không nên sử dụng thực phẩm ở nhóm III theo bảng dưới đây.
Thứ hai, hạn chế các nước uống có khả năng gây tăng acid uric máu và các cơn gút cấp như rượu, bia, chè, cà phê. Nên uống các nước có tính kiềm như nước khoáng bicarnonat.
Thứ ba, những thực phẩm cần có trong thực đơn cho người bệnh gút
- Như chế độ ăn thông thường nhưng hạn chế đạm.
- Cơ bản là lựa chọn thực phẩm ít nhân purin. Nếu ăn thịt nên luộc rồi bỏ nước, không nên ăn các loại nước dùng thịt, cá, xương hầm.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê, nước chè.
- Ăn nhiều rau xanh, các loại quả không chua.
- Uống đủ nước hàng ngày, đặc biệt là nước khoáng kiềm.
Bên cạnh đó người bệnh cần có lối sống lành mạnh, giảm cân, tập thể dục điều đặn hàng ngày.