Bố mẹ nuôi con ai cũng mong con sớm có tình yêu với sách, với việc đọc, việc học. Để làm được điều đó, bố mẹ hãy bắt đầu ngay từ bây giờ và sớm nhất để cùng trẻ đọc sách trong niềm vui, tạo thói quen tự nhiên. Đọc sách hằng ngày cũng giống như  thói quen ăn uống...

Lựa chọn thời điểm đọc sách

Để hình thành thói quen, bạn có thể đọc cho trẻ nghe ngay từ khi còn trong bụng, đây cũng là cách thai giáo hiệu quả. Khi trẻ chào đời, dù trẻ chưa biết nói, bạn cũng có thể chọn những cuốn sách vần điệu, sách tranh để vừa đọc cho trẻ nghe và để trẻ xem.

Đọc sách cho con ngay từ khi còn trong bụng - Ảnh minh họa: Internet

Với trẻ 2-3 tuổi, việc đọc sách chỉ dừng lại ở hoạt động mang tính chất vui vẻ và là khoảng thời gian tuyệt vời bên cha mẹ.

Ngày nay, trẻ ít có thói quen đọc sách. Thay vào đó, chúng say mê với các thiết bị điện tử: Điện thoại, iPad, máy tính… Nên việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ sớm nhất có thể và việc duy trì liên tục càng quan trọng.

Bố mẹ có thể đọc sách cho con bất cứ thời gian rảnh nào trong ngày, khi con sẵn sàng. Với trẻ con không nhất thiết phải quy định chặt chẽ thời gian đọc.

Khi con đi học ở trường, bố mẹ có thể lựa chọn thời gian buổi tối, lúc cả nhà quây quần cùng nhau. Cùng nhau tạo ra thời điểm đọc sách sẽ là khoảng thời gian các thành viên háo hức mong chờ nhất trong ngày. Từ đó, trẻ cũng sẽ nhanh chóng làm tất cả mọi việc để được đọc sách, cùng chia sẻ về mọi chuyện ngày hôm nay ở trường.

Lựa chọn sách và cách đọc cùng con

Để trẻ có thể chú ý đến cuốn sách, bố mẹ hãy chọn những cuốn phù hợp với độ tuổi và sở thích.

Việc đọc sách ko bao giờ là hệ quả của mua nhiều sách. Mà nó là thao tác đi theo của sự tò mò, thích thú hoặc nhu cầu thể hiện. Do đó, khi đọc sách cùng trẻ, bố mẹ hãy cố gắng tạo nên những khát khao tò mò, ham học hỏi, yêu thích và tạo cho trẻ cơ hội được thể hiện bản thân khi đọc sách.

Các em nhỏ 2-3 tháng có thể đọc Picture Book - Ảnh: Vân Anh

Với bạn nhỏ đang độ tuổi chập chững, tập nói, đây là độ tuổi của “sự lặp đi lặp lại” nên sách cần chú trọng nhiều vào hình thức và nội dung có tính chất lặp lại, có vần điệu.

Hãy để vài cuốn sách trong tầm với của con, tốt nhất là đặt trong một hộp đồ chơi với nhiều cuốn sách thú vị, để trẻ có thể nhìn thấy (gặm và nhai) sách bất cứ khi nào chúng thích. Những cuốn sách gặm được chắc chắn là những cuốn thích nhất ở đây.

Bạn hãy kiếm những cuốn sách có nhiều chất liệu vải khác nhau để trẻ được sờ chạm, cảm nhận, bóp vặn, có gương bóng để trẻ soi vào và cười khúc khích khi nhìn vào đó.

Đây là cách các bạn nhỏ đọc sách đấy! - Ảnh minh họa: Internet

Khi bắt đầu đọc sách bạn đừng quên nói: “Con yêu sẵn sàng chưa? Chúng ta bắt đầu nhé” và đập tay lấy tinh thần sẵn sàng. Hoặc chúng ta cũng có thể sử dụng câu thần chú: “Úm ba la! Sách ơi mở ra!”. 

Khi trẻ lớn hơn một chút và khả năng hiểu của bé phát triển, bạn có thể để vào những cuốn sách có hình ảnh phức tạp hơn.

Hãy tìm những sách truyện minh họa đơn giản, nhiều màu sắc và những chủ đề thân thuộc với trẻ, chủ yếu là các con vật, xe cộ, các con vật làm những việc giống bé, xe cộ làm những việc giống bé và cả các bạn nhỏ làm những việc giống bé.

Bố mẹ đừng quên đọc tên sách cho bé - Ảnh: Vân Anh

Dù đọc cuốn sách gì, bạn cũng đừng quên đọc tên của cuốn sách lên để con biết.

Gợi ý lựa chọn sách cho bố mẹ

Khi muốn tạo niềm yêu thích cho trẻ, bố mẹ không thể nào chọn sách không làm chúng thích được. Dưới đây sẽ là một số gợi ý để bố mẹ nắm bắt đúng sở thích và tâm lý cũng như khả năng của trẻ để chọn sách phù hợp.

Sách về các con vật cho bé tập nói - Ảnh: Vân Anh

Những loại sách - truyện các bé trong độ tuổi tập đi yêu thích thông thường như:

- Sách về con vật và các âm thanh chúng tạo ra.

- Sách về một chủ đề ưa thích: Ô tô, khủng long, truyện cổ tích, công chúa...

- Sách có liên quan đến những trải nghiệm của bé hằng ngày.

- Những cuốn sách vải, sách chuyển động, sách lật mở, sách âm thanh sách đa tương tác: Trẻ ở tuổi này có thể hứng thú với những quyển sách có các vật thể có thể tháo rời, có âm thanh.

Sách lật mở tương tác với hình ảnh trực quan mà bé nào cũng thích - Ảnh: Vân Anh

Khi đọc sách cho bạn nhỏ này, bố mẹ sẽ gặp cảnh bạn ấy đòi đọc đi đọc lại một cuốn. Phụ huynh hãy cứ vui vẻ đọc lại cho bé nghe.

Hoạt động đọc sách với trẻ ở độ tuổi này chưa tập trung được lâu, chúng ta chỉ nên đọc trong khoảng 15-20 phút. Nhiều nhất là 30 phút. Số lượng sách tùy vào dung lượng để chúng ta chọn khoảng 3-5 cuốn. 

Đừng quên nếu đọc 3 cuốn sách, cha mẹ hãy để bé chọn 1 cuốn thích nhất còn 2 cuốn còn lại là cuốn bố mẹ chọn cho con.

Khi trẻ có ngôn ngữ tốt hơn, tầm 4 tuổi trở lên, trẻ sẽ hướng đến dòng sách có nội dung, diễn biến câu chuyện.

Bây giờ, trẻ chắc hẳn đã biết sách có mặt trước và mặt sau và sách có diễn biến câu chuyện qua từng trang. Tiếp đến, trẻ hiểu rằng các từ ngữ trên trang sách được đọc từ trái qua phải, và những hình dạng khác nhau của các ký tự trong từ ngữ là giúp bạn nhận dạng ra cách phát âm khi đọc chúng lên.

Tất nhiên, bạn không thực sự cần dạy trẻ điều đó, trẻ sẽ tự tiếp thu khi bạn đọc sách cùng chúng.

Đừng chú trọng vào việc dạy chữ sớm, hãy chú trọng vào việc giúp trẻ thích và yêu đọc sách. Hãy chỉ tay vào từ bạn đọc và di chuyển ngón tay theo dòng, nhìn vào hình và cố gắng đọc hết để biết câu chuyện nói về điều gì.

Cầm sách đúng tư thế và tay chỉ vào nội dung đang đọc - Ảnh: Vân Anh

Có phụ huynh đã chia sẻ cách rèn thói quen cho hai cậu con con trai bằng cách khá thú vị. Đó là trong ngày, mẹ sẽ đố các bạn ấy một câu liên quan đến nội dung cuốn sách đã đọc và khen "tít mù" khi các bạn trả lời đúng.

Phụ huynh này bắt đầu từ những bộ truyện tranh màu, ngắn gọn, nhân văn, vui nhộn như Bubu, 11 chú mèo, sách bách khoa toàn thư cho trẻ em, chuột Tip, đồng thoại, ngụ ngôn...

Những cuốn sách xoay xung quanh nhân vật BuBu khiến bạn nhỏ thích thủ: Ảnh minh họa: Internet

Dần dần, khi các bé đã quen với sách, hai cậu con trai được mẹ mở tiết mục “đọc truyện đêm khuya”. Tức là trước giờ đi ngủ, mẹ sẽ đọc cho các bé nghe những câu chuyện có nhiều chữ, mang tính giáo dục (Ví dụ “Gieo mầm tính cách”, cái Tết của mèo con, những tác phẩm văn học...)

Được mẹ bồi dưỡng tình yêu với sách, trẻ hình thành thói quen đọc một cách tự nhiên - Ảnh: Vân Anh

Khi trẻ đọc chữ thành thục, việc chọn sách bây giờ gần như trẻ muốn tự chọn, song vẫn cần định hướng và bố mẹ vẫn nên đồng hành cùng con. Phụ huynh có thể lựa chọn cuốn truyện thật hay nhưng nhiều chữ đọc cho con nghe, nhưng chỉ đọc một nửa cuốn truyện, sau đó lấy lí do bố mẹ bận nhiều việc, mẹ hơi mệt để kéo dài thời gian đọc.

Khi trẻ biết chữ, vì tò mò diễn biến câu chuyện bé sẽ phải chủ động lấy sách đọc nốt. Bố mẹ có thể áp dụng thử cách này.

Nhu cầu giải trí của trẻ rất cao. Đặc biệt là khi trẻ phải trải qua cả ngày học tại trường. Nếu trẻ thích đọc truyện tranh, bố mẹ cũng không nên cấm đoán. Nhưng bên cạnh truyện tranh, bố mẹ vẫn nên hướng và tạo yêu thích cho trẻ đến nhiều thể loại khác. 

Giới thiệu loại sách hấp dẫn khác để trẻ tìm hiểu bên cạnh truyện tranh - Ảnh: Vân Anh

Sách cũng là nguồn tài nguyên tuyệt vời để học một kỹ năng mới. Sách chuyên về các trò đùa, sách ảo thuật và sách nấu ăn là những ví dụ tuyệt vời trong số này. Đừng quên cho trẻ em thấy được lợi ích của việc đọc sách khi áp dụng vào cuộc sống thực tế.

Trẻ học kỹ năng từ sách - Ảnh: Vân Anh

Dưới đây là một số loại sách cho các bạn nhỏ đã biết đọc chữ:

- Sách văn học: Đồng dao, thơ ca, truyện Tôt tô chan cô bé bên cửa sổ, chú sâu háu ăn, cây táo yêu thương, hoàng tử bé, dế mèn phiêu lưu ký... 

- Truyện thiếu nhi: Hiện nay có rất nhiều truyện ehon, picture book ý nghĩa phù hợp để gieo thói quen, tình yêu đọc sách cho trẻ.

Lựa chọn truyện thiếu nhi, sách văn học phong phú cho trẻ - Ảnh: Vân Anh

- Sách về tấm gương, danh nhân: Bộ truyện kể về danh nhân thế giới của NXB Kim Đồng, bộ Những bộ óc vĩ đại của Alpha books, bộ Truyện tranh lịch sử Việt Nam của NXB Kim Đồng...

- Sách đạo đức - kỹ năng sống: Sách Ehon dạy con làm việc nhà, bộ Học cách sống hòa thuận, những thói quen vàng của Alpha books, bộ kỹ năng sống dành cho học sinh, bộ Sách an toàn cho con yêu của Nhã Nam...

Bộ sách An toàn cho con yêu - Ảnh minh họa: Internet

- Sách bách khoa tri thức: Atlas cho trẻ em, bách khoa tri thức (bản dịch của NXB Usborne), bách khoa thức bằng hình, bách khoa thư thế hệ mới,...

- Sách kỹ năng - phát triển tư duy: 365 trò chơi khoa học, cuốn sách khổng lồ về cách thí nghiệm khoa học, chuyến xe khoa học kỳ thú, mê cung phát triển tư duy...  

Xây dựng môi trường yêu đọc sách

Việc đọc, với nhiều trẻ nhỏ không thể diễn ra trong môi trường "không đọc". Cụ thể, nếu quanh con không ai đọc, chẳng ai đọc để làm gì, không có lúc nào dành cho việc đó, mọi sự kiện ồn ào bận bịu nhất thay thế thường xuyên thì con tất yếu xa lạ với đọc sách. Nên việc xây dựng môi trường cũng vô cùng quan trọng.

Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho chị, chị sẽ truyền cho em - Ảnh: Vân Anh

Cha mẹ nên tạo thói quen đọc sách ngay từ sớm cho trẻ, muốn vậy thì cha mẹ chính là tấm gương tốt nhất cho trẻ. Cha mẹ cần đọc sách tương tác cùng bé.

Mỗi nội dung trẻ đọc xong, cha mẹ hãy hỏi để biết trẻ có hiểu đúng nội dung không và quan điểm của trẻ đối với nội dung đó là như thế nào. Việc này không chỉ tạo hứng thú cho trẻ đọc sách mà còn giúp cha mẹ hiểu hơn về con của mình.

Bà và cháu có thể ngồi đọc sách cùng nhau - Ảnh: Vân Anh

Để trẻ có thói quen đọc, trẻ phải yêu sách và biết giữ sách. Bạn hãy chỉ cho trẻ trang sách bị rách nếu không được giữ cẩn thận, cần phải gấp sách lại cất lên giá hay hộp sau khi đọc xong.

Sách của trẻ nhỏ còn ít, hãy làm cho con một cái hộp riêng dễ lấy ra lấy vào để đựng sách.

Với bé lớn hơn, bạn nên chuẩn bị cho con một giá sách nhỏ. Con có thể nhìn thấy bìa sách dễ dàng nhất và cất sách dễ dàng sau khi đọc xong. Sau đó, cha mẹ hãy dạy con phân loại sách để trẻ cất sách lên giá ngăn nắp và khoa học.

Giá sách nhỏ xinh trưng bày bìa sách kích thích bé đọc - Ảnh: Vân Anh

Luôn nhớ rằng, cha mẹ là tấm gương cho con về tình yêu sách. Nếu bạn có những cuốn sách cũ được lưu giữ từ thời thơ ấu, hãy cho bé xem để bé cảm nhận. Bạn đừng quên giải thích lý do tại sao lại yêu cuốn sách đó và giữ gìn chúng đến bây giờ cho con mình.

Khi bố mẹ thực sự thấy việc gì cần thiết cho con, bố mẹ cũng yêu thích điều đó thì việc tạo môi trường yêu thích đọc sách cho con thật đơn giản và rèn thói quen đọc sách cho con không còn là chuyện khó.

Cuốn sách rất cũ, ố vàng nhưng vẫn được một người mẹ gìn giữ - Ảnh: Vân Anh

Sách trở thành quà tặng, phần thưởng

Trong những dịp cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi, bố mẹ có thể cho con đi nhà sách, cà phê sách hay tham gia cộng đồng, hoạt động đọc sách hoặc liên quan để con thêm hứng thú. Chúng sẽ tự nhận ra sách và cuộc sống có sự kết nối với nhau.

Mua quà sinh nhật là sách để con tặng bạn khác hoặc bố mẹ tặng sách cho con vào những dịp như đầu năm học, giáng sinh, lì xì sách... cũng là cách giúp con yêu và háo hức với sách.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chọn sách làm quà tặng các em học sinh - Ảnh minh họa: Internet

Không gian đọc sách

Đọc sách cho trẻ em cần một không gian thoải mái và đầy đủ ánh sáng. Bạn có thể tạo một góc đọc sách trong phòng bé với nệm trải sàn và một cái chăn mềm vào mùa đông. Khi đọc, bạn đảm bảo bé nhìn thấy trang sách và tư thế thoải mái, không nhìn gần sách quá cũng không phải căng mắt ra vì sách quá xa.

Nếu thiết kế khéo léo, đây cũng là góc nhỏ mà bé yêu thích khi trở về nhà, tạo thêm niềm đam mê của con với sách. Không quá cầu kỳ, một chiếc nệm trong góc phòng cùng giỏ đựng những cuốn sách yêu thích của bé cũng tạo nên góc đọc sách tuyệt vời.

Góc đọc sách đơn giản và ấm áp cho bạn nhỏ mà bố mẹ nào cũng làm được - Ảnh minh họa: Internet

Các bạn nhỏ yêu thích một cuốn sách không phải vì cuốn sách đó “hay”, là "bestseller" hay của tác giả nổi tiếng, chúng mê mẩn sách bởi cuốn sách đó là cầu nối những câu chuyện nhỏ to của chúng với bố mẹ, bởi những cảm xúc ngọt ngào, những kỉ niệm ấm áp đã được tạo ra từ mỗi giờ đọc truyện cùng bố mẹ.

Vì thế, đừng chỉ mua sách cho con, hãy đọc sách cùng con, đọc một cách thực sự, như một đứa trẻ. Vì gieo tình yêu ngày hôm nay, bạn sẽ nhận được trái ngọt ngày mai. 

Vân Anh

Giáo viên tại Thái Bình, Đại sứ đọc Reading Việt Nam