Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ: Câu chuyện không chỉ của từng gia đình nhỏ (Phần 1)
Câu chuyện hình thành thói quen đọc sách
Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ có khó không? Câu trả lời nằm ở chính bố mẹ bên con những năm tháng đầu đời... Trẻ thích làm điều gì khiến chúng vui, bố mẹ khoan hãy nghĩ đến mục đích cao siêu, hãy đọc sách cho con nghe để chúng vui đã, vừa đọc vừa chơi để gia đình thắt chặt sợi dây tình cảm, gắn bó thân thiết và đầy ắp tiếng cười.
Bố mẹ cũng không phải nghĩ hy sinh thời gian để sắp xếp việc đọc sách cho con mà thời gian đó bố mẹ cũng được giải lao, được vui đùa cùng con, cùng nhau làm việc ý nghĩa thì việc đọc sách hằng ngày sẽ dễ dàng và tự nhiên nhất.
Người vô cùng bận rộn như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chú trọng rèn thói quen đọc sách cho con thì tại sao bạn không thể?
Với tình yêu sách, đọc không chỉ vì công việc, ông và hai cô con gái đã chia sẻ về tác phẩm mà gia đình yêu thích và không ngần ngại hóa thân vào nhân vật trong truyện với giọng đọc truyền cảm một cách tự nhiên. Hình ảnh tổng thống Mỹ đọc sách trong dịp lễ Phục sinh tại Nhà Trắng được lan truyền rộng rãi như cách khuyến khích cộng đồng cùng đọc.
Khi bạn đầu tư cho con về Sách, nó khác hoàn toàn với việc bạn mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp cho con mặc. Nếu bạn chỉ loay hoay tập trung vào việc con mình thích sách là được, con mình đọc được nhiều sách, con mình giỏi lên thôi thì liệu có ích kỷ và đã thực sự tốt cho việc hình thành thói quen và tình yêu sách với con bạn chưa?
Nuôi dưỡng một người đọc tí hon yêu đọc sách quan trọng, nhưng nuôi dưỡng nhiều bạn nhỏ cùng yêu sách quan trọng hơn! Một "mọt sách" lười giao tiếp, lười chia sẻ, bố mẹ hẳn không mong con mình như thế. Lúc này, câu chuyện nuôi dưỡng thói quen đọc sách lại trở thành câu chuyện của cả ngôi làng, của cả cộng đồng...
Đôi điều về thói quen đọc sách ở Việt Nam
Tại sao phải hình thành thói quen đọc sách cho trẻ nhỏ mà không phải là người lớn? Nếu chúng ta giúp cả một thế hệ trẻ em xem đọc sách là một hoạt động mang lại hứng thú cho chúng, thì các thế hệ sau đâu cần liên tục hô hào hãy cố gắng cứu lấy nền “văn hóa đọc” như hiện nay.
Khi người lớn giúp trẻ yêu đọc sách, chính chúng ta cũng là người được hưởng lợi và yêu thích đọc sách lúc nào không hay.
Thói quen đọc sách là một trong những thói quen tích cực rất cần thiết cho cuộc sống của trẻ. Nếu con cái của bạn được tạo lập thói quen này từ sớm và duy trì đều đặn trong suốt những năm tháng đi học thì đây sẽ là những người có khả năng tự học suốt đời và không ngừng phát triển bản thân.
Song có một điều đáng buồn, quan điểm của khá nhiều cha mẹ ở Việt Nam lại có nghịch lý giữa việc học và đọc. Không hiếm phụ huynh nói với trẻ rằng bận học làm gì có thời gian đọc sách... Vậy từ khi nào "đọc” và “học” lại tách biệt nhau như vậy?
Trẻ chịu sự chi phối từ người lớn, bậc làm cha mẹ, thầy cô rất nhiều, nếu quan điểm của người lớn còn chưa đúng sao có thể cùng trẻ thiết lập thói quen, tình yêu đam mê với sách.
Có một sự thật mà chúng ta phải nhìn thẳng vào về văn hóa đọc của Việt Nam. Chu Văn An người thầy của muôn đời từng nói “ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được...”. Giữa đọc và học, hai vấn đề nhưng lại là một, nhưng văn hóa đọc của Việt Nam chỉ mới được phát triển trong 10 năm và mạnh mẽ hơn trong 5 năm trở lại đây.
Nhất là khi, phần đông phụ huynh vẫn coi trọng học vì điểm số.
Nếu như trước năm 1945, chỉ có 5% dân số biết chữ và 1% trong số đó là đọc sách, việc đọc sách ngày xưa là thỏa mãn nhu cầu thi cử để lập thân. Còn hiện tại, dù gần như đã phổ cập biết chữ cho học sinh nhưng thực trạng về văn hóa đọc vẫn còn nhiều tồn tại: Xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách của công chúng hiện nay.
Hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh ngày (14/3/2008) đã chỉ ra thực trạng “lười đọc”, “đọc ít” và “đọc theo phong trào”, theo “tâm lý đám đông” của phần nhiều giới trẻ hiện nay.
Trong đó văn hóa đọc mới chỉ dừng lại ở việc đọc chủ yếu là tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông còn thói quen đọc, kỹ năng đọc như thế nào chưa được bạn đọc chú ý và đầu tư. Cụ thể hơn số lượng đọc không đều, có người đọc nhiều và có người đọc ít.
Cô Nguyễn Thị Thu Huyền, giáo viên bộ môn Văn Trường THPT Kim Liên, Hà Nội chia sẻ: "Đọc sách không chỉ là phương pháp tự học giúp các bé nâng cao vốn hiểu biết. Trước hết, nó là một hoạt động để các con nâng cao vốn từ vựng, từ đó phát triển khả năng giao tiếp. Thế nhưng, đa phần học sinh chỉ đọc vài cuốn sách tham khảo hoặc nâng cao phục vụ cho việc học của mình mà thôi.
Nhiều em còn cho rằng, việc đọc sách văn học là tốn thời gian, vô ích. Có em chỉ chọn loại truyện tranh hoặc truyện viễn tưởng, kiếm hiệp. Lười đọc sách nên vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn...".
Theo báo cáo về tỉ lệ người Việt đọc sách của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), có tới 26% dân số Việt Nam hoàn toàn không đọc sách, 44% thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc và 30% đọc sách thường xuyên.
Đó chỉ là con số tương đối, nhưng cho thấy tỉ lệ đọc sách của người Việt hiện nay quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ thông qua sách in và sách điện tử. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn.
Tác dụng của đọc sách
Là cha mẹ, bạn hoàn toàn có khả năng khơi dậy tiềm năng của con chỉ đơn giản bằng việc biến những quyển sách thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ.
Cha mẹ nào cũng biết đọc sách cho trẻ là một điều có lợi nhưng liệu bạn có thấu hiểu giá trị sách mang lại cho những đứa trẻ, nhất là những em bé còn lẫm chẫm tập đi và các bé tuổi mẫu giáo.
Vì sao nên đọc sách, là câu hỏi đã được Reading Việt Nam - Dự án đọc sách cho trẻ em trình bày một cách ngắn gọn. Đọc sách sẽ:
- Tạo một thói quen cho bộ não của trẻ
- Kích thích trí tưởng tượng
- Nuôi dưỡng sự sáng tạo
- Tạo ra trí nhớ đặc biệt
- Tăng cường sự tự tin
- Phát triển tình yêu với sách và đọc
- Nuôi dưỡng các mối quan hệ nhân văn
Bố mẹ có thể cảm nhận thấy ngay được trong lúc đọc sách sẽ thắt chặt mối quan hệ cha mẹ - con cái. Hình ảnh đứa con bé bỏng trong vòng tay mẹ, nghe mẹ đọc sách có lẽ sẽ là hình ảnh đẹp ấm áp với tuổi thơ con trẻ.
Khi con bạn lớn hơn, bé sẽ trở nên hiếu động, luôn trong trạng thái nô đùa, chạy nhảy và không ngừng khám phá môi trường xung quanh. Xích lại gần con với một cuốn sách là cơ hội tuyệt vời để cả hai “sống chậm lại”, cùng lưu giữ những khoảnh khắc ngọt ngào, yêu thương khi con còn nhỏ.
Thay vì coi đó là một nhiệm vụ, hãy coi việc đọc sách cho trẻ như một hoạt động vun đắp tình thân, giúp cha mẹ - con cái xích lại gần nhau.
Thiết lập thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ sẽ tạo nền tảng phát triển khả năng học tập. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy các học sinh được làm quen với việc đọc sách trước 4 tuổi có thành tích học tập tốt hơn trong tất cả các môn ở cấp tiểu học.
Nhất là khi đọc cho trẻ tuổi chập chững, tập nói sẽ nhanh giúp bé làm chủ ngôn ngữ, tạo điều kiện tốt hơn khi tới tuổi đến trường.
Đọc sách tạo ra trí nhớ đặc biệt, hình thành tư duy logic. Một minh chứng khác về giá trị của đọc sách đối với trẻ là giúp bé nắm bắt các khái niệm trừu tượng, suy nghĩ theo logic ở những tình huống khác nhau, nhận biết nguyên nhân - kết quả và học cách đánh giá sự việc.
Khi bé bắt đầu biết liên hệ những câu chuyện trong sách với các tình huống diễn ra trong thế giới của mình, bé càng trở nên hào hứng với những gì cha mẹ muốn chia sẻ từ cuốn sách.
Khi con bạn tiến tới một giai đoạn phát triển quan trọng trong đời hoặc sắp sửa trải qua những trải nghiệm căng thẳng, đọc cho con nghe một câu chuyện với tình huống tương tự sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp bé có tâm thế thoải mái trong giai đoạn chuyển tiếp này.
Ví dụ: Bé tỏ ra lo lắng khi sắp đi mẫu giáo, hãy kể cho bé nghe một câu chuyện có liên quan đến chủ đề này để con thấy cảm giác hồi hộp là điều hoàn toàn bình thường.
Bé 2-3 tuổi ban đầu có thể vặn vẹo và dễ mất tập trung trong suốt khoảng thời gian đọc sách. Tuy nhiên, các bé sẽ dần học được cách ngồi yên một chỗ trong quá trình đọc sách. Cùng với việc đọc hiểu, trẻ rèn luyện được tính kỷ luật, độ tập trung và khả năng ghi nhớ. Điều này sẽ giúp ích cho bé rất nhiều khi con đi học.
Đọc sách cho trẻ từ sớm giúp con coi sách như niềm vui chứ không phải nhiệm vụ. Khi lớn lên, các bé này thường chọn sách thay cho các trò giải trí khác như tivi, trò chơi điện tử. Lúc này từ thói quen đọc các con đã phát triển thành tình yêu với sách và việc đọc.
Nguyễn Thị Vân Anh
Giáo viên tại Thái Bình, Đại sứ đọc Reading Việt Nam
(Phần 2 của bài viết sẽ hướng dẫn cha mẹ những cách hay giúp con hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ).
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...