Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 tập yoga sau khi khỏi bệnh, tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 16/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít nhất 17 triệu người ở châu Âu đã mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều tháng kể từ khi khỏi bệnh sau lần mắc bệnh đầu tiên trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ về COVID kéo dài, chẳng hạn như hội chứng này kéo dài bao lâu.

Các nhà nghiên cứu ở Israel đã phân tích hồ sơ y tế của gần 2 triệu người thuộc mọi lứa tuổi đã xét nghiệm COVID-19 ở nước này từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021. Do đó, kết quả bao gồm các biến thể của virus SARS-CoV-2 lưu hành trước đó, trong đó có biến thể Delta, nhưng không bao gồm các dòng phụ của biến thể Omicron được phát hiện gần đây.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét các hồ sơ y tế do công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe Maccabi Healthcare Services cung cấp để tìm hơn 70 triệu chứng khác nhau liên quan đến COVID kéo dài. Họ đã loại trừ những bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nặng hơn, bao gồm cả những người phải nhập viện, những người mà nghiên cứu trước đây cho thấy có nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài cao hơn.

Đối với những trường hợp nhẹ, nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc một số bệnh tăng lên đáng kể, bao gồm mất khứu giác và vị giác, khó thở, suy nhược, đánh trống ngực, viêm họng liên cầu khuẩn, chóng mặt, suy giảm khả năng tập trung và trí nhớ thường được gọi là "sương mù não". Tuy nhiên, hầu hết các triệu chứng đều hết trong vòng 12 tháng.

Nhà nghiên cứu Maytal Bivas-Benita tại Viện nghiên cứu KI của Israel và đồng tác giả nghiên cứu cho biết có một số ít người vẫn bị khó thở hoặc suy nhược trong vòng 1 năm sau khi mắc COVID-19.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMJ cũng phát hiện rằng những người mắc COVID-19 đã tiêm phòng có nguy cơ mắc các triệu chứng về hô hấp - triệu chứng phổ biến nhất - thấp hơn so với những trường hợp không tiêm phòng. Trong khi đó, trẻ em gặp ít vấn đề về sức khỏe hơn người lớn và hầu hết đều phục hồi tốt trong vòng 1 năm.

Tác giả chính của nghiên cứu, Barak Mizrahi, cho biết ông hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp các bác sĩ có thêm cơ sở khi đưa ra kết luận về việc liệu các triệu chứng của bệnh nhân có liên quan đến COVID-19 hay không.