Bị bỏ quên vì ngủ 

Khi chị Nguyễn Thị Ngọc Ngà (42 tuổi, sống tại 234 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của bé L.H.L. (6 tuổi) bị bỏ quên trong xe đưa đón tại trường GateWay khiến chị bàng hoàng. Hình ảnh clip càng khiến chị sợ hãi nhớ lại câu chuyện xảy ra cách đây hơn 1 năm với con trai út của chị. Cảm giác rụng rời đến mất ngủ.

Chị Ngà sinh 3 bé trai trong 5 năm, Phạm Hoàng Sơn sinh năm 2008 là cậu con trai út của chị. Câu chuyện xảy ra vào ngày 21/5/2018, hôm đó là buổi học cuối cùng. Sơn đến trường như mọi ngày nhưng câu chuyện Sơn đi học hay nghỉ cô vẫn nghĩ buổi cuối nên gia đình tự cho nghỉ và không ai biết Sơn có cuộc phưu lưu đầy mạo hiểm. Qua câu chuyện này, chị Ngà cho biết việc dạy kỹ năng mềm cho con hoàn toàn không thừa.

Sáng hôm đó, xe bus của trường đón Sơn như mọi khi. Cậu bé lên xe từ 6 giờ 30 phút sáng khi con chưa được ăn uống gì vì tới trường ăn sáng nhưng Sơn đã được bác tài xế chở về tận đường 32 thị trấn Cầu Diễn chỉ vì bác không biết cậu ngủ quên trên xe.

Chị Ngà và con trai Phạm Hoàng Sơn - Ảnh NVCC

Khi con tỉnh dậy, Sơn thấy mình đang ở 1 nơi xa lạ, xe bus đã tắt máy, khóa cửa và bác tài đã đi đâu đó. Thật may mắn là nhờ cái nóng của ngày hè tháng 5 nên Sơn đã nhanh chóng tỉnh dậy, nếu trời đông lạnh giá ở trong xe ấm áp có khi con ngủ quên trong xe.

Chỉ có một mình trong xe, Sơn đã bình tĩnh và tìm cách thoát khỏi xe. Chị Ngà kể Sơn là cậu bé mê xe nên nó hay để ý và biết về xe, nhờ đó mà cậu bé biết cách thoát ra bằng cửa buồng lái.

Thoát ra khỏi xe, Sơn bắt đầu hành trình tự tìm đường về trường.

Bãi đỗ xe của trường như xóm liều, nhà cửa lụp xụp. Cậu bé như lạc trong mê cung, cả bãi xe lại không có bóng người. Cậu bé mất bao lâu cứ loanh quanh trong đó không làm nào thoát ra đường lớn nơi có người qua lại. Sau 1 hồi mắc kẹt trong đó thì may Sơn thấy 1 một chiếc xe hơi chạy ngang qua. Cậu bé nghĩ chắc cái xe sang này sẽ chạy ra đường lớn chứ không rẽ vào xóm nghèo đâu, nên nó chạy thục mạng đuổi theo xe và đúng thật xe đã dẫn con ra được đường lớn.

Khi ra được đường, Sơn hỏi đường về trường nhưng tiếc rằng con hỏi ai họ cũng đều không biết chỗ trường của con đang học ở đâu. Con đã rất nhanh trí chuyển hướng hỏi sang đường đến sân vận động Mỹ Đình vì nó nghĩ địa điểm nổi tiếng đó thì ai cũng sẽ biết, rồi Sơn sẽ tự đi bộ từ đó về trường.

Mẹ Sơn kể bình thường, chị Ngọc hay cho Sơn và anh trai tự đi bộ từ sân tập bóng đá của con ở cuối sân vận động Mỹ Đình về trường. Sơn gặp được người đàn ông chở cậu ra bến xe bus. Tuy nhiên, khi tới bến xe bus cậu bé đã phải chờ rất lâu mà vẫn chưa bắt được xe nào về sân Mỹ Đình. Trong tâm trí cậu bé, bác xe máy đã đưa đến nhầm bến.

Sơn lại mò mẫm đi tìm bến đúng cho tới tận 13 giờ chiều. Lúc đó cu cậu đã thấm mệt và vừa đói vừa khát nên Sơn quyết định chuyển hướng không về trường nữa, sẽ về thẳng nhà. Sau 1 hồi “nghiên cứu” các lộ trình xe bus thì con nhận thấy chỉ có xe về IPH Xuân Thủy là dễ dàng cho tìm đường về nhà nhất.

Sơn chăm chỉ thể thao, rèn luyện và có nhiều kỹ năng mềm để tự thoát khỏi xe bus khi bị bỏ quên - Ảnh NVCC

Rồi Sơn cũng bắt được xe bus và cậu trình bày với phụ xe để được miễn vé xe bus. Đến Xuân Thuỷ, Sơn tính đây là điểm dễ tìm đường về nhà nhất vì con chỉ cần đi bộ ra ngã tư là tới đầu đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, từ đây về tới nhà phải mất 4,5 km. Con đường lại đang giai đoạn thi công nên rất bụi bặm, bẩn thỉu nhiều khói xe do tắc nghẽn giao thông.

Tuy nhiên, cậu vẫn phăm phăm đi về nhà. Có lúc mệt, Sơn lấy trong cặp vài viên kẹo. Mẹ dặn thường xuyên có kẹo ở cặp để lỡ bị lạc có kẹo ăn không bị hạ đường huyết. Và sự dặn dò của mẹ đã có ích cho Sơn trong lần này.

Kỹ năng cho con quan trọng

Về tới khu đô thị nhà mình sống, Sơn bủn rủn chân tay vì đói và khát. Câu qua chỗ nhân viên bán hàng xin nước lọc. Biết Sơn bị lạc từ sáng chưa ăn gì nên Sơn được cho 10 nghìn đồng đi mua bánh mì. Ăn xong chiếc bánh, Sơn lại tiếp tục về nhà và hành trình cuối cùng cũng tới.

Cậu bé về tới nhà, người đầm đìa mồ hôi, đôi mắt vẫn đậm nét lo sợ. Suốt hành trình đi tìm đường về nhà dưới cái nắng hầm hập của mùa hè, Sơn đã nhanh trí ghé cửa hàng nào đó hay sảnh chung cư để tránh nắng.

Chị Ngà ngỡ ngàng vì sao con không gọi điện thoại cho bố mẹ. Nhờ ai gọi điện hoặc vẫy cái taxi về nhà bà trả tiền. Nhưng cậu đã không làm thế và những kỹ năng sống chị Ngà dạy con cậu áp dụng hết.

Ở nhà, Sơn là 1 đứa trẻ lì lợm, ít nói nhưng lanh lẹ, hay quan sát, thông minh và mạnh khỏe. Có lẽ vì thế, cu cậu đã tự về nhà được.

Chị Ngà tâm sự: “Lúc con về thuật lại câu chuyện thì phản ứng đầu tiên của tôi là trách con phải điện thoại báo vì nếu cô giáo có báo với bố mẹ biết chuyện con mất tích thì cả trường lẫn gia đình trong 9 giờ đồng hồ đó sẽ hoảng loạn lo lắng như thế nào. Con cứ thanh minh là tại con sợ mẹ phạt và con tin con làm được. Lúc đó bỗng chị lại thấy tự hào vì ý chí và bản lĩnh của con”.

Nỗi lo con kẹt trong xe, cu cậu lại cho rằng mình rất tự tin bảo có tận 3 cách để ra. Cửa lái sẽ ra được dễ dàng, cửa trượt thì bấm nút trên buồng lái, còn không thì có búa thoát hiểm. Vì thế, chị nhìn vào mặt tích cực của sự việc nên đã giải quyết với nhà trường rất ôn hòa nhẹ nhàng và trường con cũng có động thái tích cực.

Qua đây, chị Ngà thấy việc phát triển kỹ năng cho con rất quan trọng, các con từ bé, chị đã chú trọng phát triển IQ, EQ và nhiều kĩ năng mềm cho con. Mới 3 tuổi, Sơn đã chơi đàn rất ấn tượng. Cả nhà chị ai cũng hăng hái vận động, tập thể dục và có lẽ nhờ thế, sức dẻo dai của con chị rất bền để có hành trình đi về nhà cả ngày không ăn, không uống.

Nhiều khi các con thường bảo chị Ngà “ác” với chúng, nhưng chị tin rằng với những gì chị rèn luyện cho con thì khi trưởng thành các con luôn vững vàng khi gặp bất cứ khó khăn thử thách nào.