Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 7/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ tăng 31 cent, tương đương 0,4%, lên mức 80,82 USD/thùng. Còn dầu Brent tăng 29 cent, tương đương 0,34%, lên mức 85,18 USD/thùng.

Ảnh minh họa.

Các chuyên gia cho biết, các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Saudi Arabia và Nga cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện cho đến hết năm, do đó kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu tăng nhẹ chưa đến 50 cent.

Nguồn tin từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 12, duy trì sản lượng khoảng 9 triệu thùng/ngày. Còn Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ tiếp tục cắt giảm nguồn cung tự nguyện bổ sung 300.000 thùng/ngày từ xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ cho đến cuối tháng 12 như đã thông báo trước đó.

Việc cắt giảm có thể được kéo dài sang quý I/2024 do “nhu cầu dầu theo mùa yếu hơn vào đầu năm, mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế đang diễn ra và mục tiêu của các nhà sản xuất và OPEC+ là hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ”.

Giá dầu phục hồi sau khi cả hai loại dầu chuẩn này giảm khoảng 6% trong tuần tính đến ngày 3/11 do lo ngại gián đoạn nguồn cung bởi căng thẳng ở Trung Đông giảm bớt.

Ngày 6/11, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc đã yêu cầu ngừng bắn nhân đạo khi các cơ quan y tế ở khu vực này cho biết số người chết vì các cuộc tấn công của Israel hiện đã vượt quá 10.000. Đồng USD yếu cũng hỗ trợ giá dầu bật tăng.

Chỉ số đồng USD đã giảm xuống mức 104,84, mức thấp nhất kể từ ngày 20/9. Đồng USD yếu hơn thúc đẩy nhu cầu mua dầu thô của những người nắm giữ ngoại tệ. Việc giảm sản lượng dầu thô tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Mỹ đã làm ảnh hưởng đến giá cả.

Tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, hoạt động lọc dầu đang giảm từ mức kỷ lục trong quý III do biên lợi nhuận sụt giảm và khan hiếm hạn ngạch xuất khẩu đến cuối năm, các thương nhân và nhà tư vấn trong ngành tiết lộ.

Theo báo cáo của công ty và các nhà phân tích dầu mỏ, các nhà máy lọc dầu thô của Mỹ cũng sẽ giảm tốc độ hoạt động trong quý này do lợi nhuận xăng yếu và việc đại tu nhà máy làm giảm mục tiêu hoạt động.

Trong khi đó, các nhà đầu tư sẽ theo dõi thêm dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc. Những lo ngại về kinh tế vĩ mô vẫn tồn tại ở châu Âu. Dữ liệu Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) cho thấy, sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh ở khu vực đồng euro đã gia tăng trong tháng 10 do nhu cầu tiếp tục suy yếu.