Đau thương vì đuối nước

Lúc 13 giờ chiều ngày 5/5, một nhóm 6 học sinh rủ nhau đi đến khu vực đập nước bản Muộng ở địa bàn xã Châu Thái, Quỳ Hợp, Nghệ An để tắm, do nước sâu, một em đã bị đuối nước.

Khoảng 12 giờ ngày 29/4 một nhóm học sinh gồm 5 em rủ nhau ra sông Hiếu đoạn qua địa bàn phường Long Sơn, TX Thái Hòa (Nghệ An) để tắm mát. Trong lúc tắm, 3 em học sinh bất ngờ bị đuối nước gồm hai chị em ruột là Trần Kim Xuyến (13 tuổi), Trần Văn Luyện (11 tuổi) cùng bé Phùng Thị Mai (9 tuổi). 

Nguy cơ đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào - Ảnh minh họa: Internet

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 4/4, tại bãi tắm Thống Nhất, thôn Hà My Đông B, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có 3 em học sinh đi tắm biển thì bị đuối nước. Dù được cứu vớt và đưa vào Bệnh viện Điện Bàn cấp cứu. Tuy nhiên, 1 em đã tử vong trước khi vào tới bệnh viện. 

Ngày 21/3, 8 em học sinh từ tiểu học đến THCS tại tỉnh Hòa Bình bị đuối nước ở bãi sông Đà sau khi rủ nhau ra sông tắm.

Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra. Theo các chuyên gia, do trẻ em chưa được tập bơi và nhiều trường hợp dù vớt kịp thời nhưng sơ cứu sai khiến nạn nhân cũng không thể cứu được.

Sơ cứu quan trọng nhất  

Theo bác sĩ Bùi Văn Hải, Chuyên khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Medlatec, trong đuối nước việc cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân.

Bác sĩ Hải cho biết ở nước ta, tỷ lệ chết đuối ở trẻ em cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trong đó, chiếm 70% trẻ chết đuối và suýt chết đuối ở lứa tuổi dưới 15.

Đuối nước là một dạng của ngạt do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Ngạt nước khiến nạn nhân bị ngừng thở, tim đập chậm lại theo phản xạ dẫn tới thiếu oxy máu và tử vong.

Việc cấp cứu đuối nước vô cùng quan trọng - Ảnh BV Nhi trung ương

Nếu gặp nạn nhân đuối nước sơ cứu kịp thời nhưng không đúng cách ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ  và để lại di chứng về sau như khả năng vận động, lời nói.

Khi gặp trẻ đuối nước, bác sĩ Hải khuyến cáo cha mẹ, người tham gia cấp cứu cần thực hiện rõ 6 bước sau:

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, dìu trẻ lên bờ rồi gọi người giúp đỡ.

Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí và giữ ấm cho trẻ.

Bước 3:  Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức.

Trước tiên, đặt trẻ nằm trên mặt phẳng đầu hơi ngửa ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng trẻ.

Dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi trẻ, sau đó hít thở thật sâu rồi thổi hơi trực tiếp qua miệng. Nếu sau 5 lần thổi ngạt nhưng trẻ chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê. Lúc này nếu tim của trẻ đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay.

Sau đó dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay). Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).

Khi đưa trẻ tới cơ sở y tế vẫn tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu. Có thể phải cấp cứu hàng giờ hoặc lâu hơn. Trong trường hợp chỉ có một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần hà hơi thổi ngạt. Còn nếu có 2 người cùng cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và trẻ có thể thở trở lại.

Trường hợp trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Bước 4: Khi trẻ tỉnh lại cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh trường hợp trẻ bị ngạt thở trở lại.

Bước 5: Kiểm tra cơ thể trẻ xem có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.

Bước 6: Nếu sơ cứu có kết quả, trẻ thở lại, cử động giãy giụa, hay vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu gần nhất.

Nếu gặp nạn nhân đuối nước không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực, khi vận chuyển nạn nhân tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu, có nguy cơ gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Đặc biệt, không nên vác nạn nhân lên và chạy vòng quanh như dân gian vẫn thực hiện.