Đối mặt với tử thần vì rối loạn nhịp tim chậm, bác sĩ cảnh báo dấu hiệu không thể bỏ qua
Thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết đơn vị này vừa cấp cứu và điều trị kịp thời cho nam bệnh nhân Đ.Q.O. (38 tuổi) bị rối loạn nhịp tim chậm.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực trái kèm chóng mặt gây choáng, vã mồ hôi, khó thở. Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên thành sau gây biến chứng nhịp chậm 40-43 lần/phút.
Nhận định trường hợp cần xử trí cấp cứu, ê kíp bác sĩ lập tức khởi động quy trình Code STEMI đồng thời đặt máy tạo nhịp khẩn cấp để cứu sống bệnh nhân tạm thời. Từ đó tiến hành can thiệp giải quyết nguyên nhân nhịp chậm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Nhân, Khoa Tim Mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết: "Trường hợp của anh O. là vô cùng khẩn cấp, nhờ tiếp cận nhanh và xử lý chính xác theo quy trình Code Stemi đã cứu sống được người bệnh.
Bệnh nhân khá trẻ, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, dù khám sức khỏe và điều trị định kỳ tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu nhưng vẫn bị nhồi máu cơ tim biến chứng loạn nhịp chậm block nhĩ thất độ 3. Đặt máy tạo nhịp tim tạm thời trong trường hợp này là yếu tố quyết định giúp người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch”.
Sau can thiệp, bệnh nhân đã không còn khó thở và đau ngực. Sức khỏe phục hồi tốt nên được ra viện.
Nhịp tim chậm là tình trạng nhịp tim dưới 60 lần/phút (trừ vận động viên hoặc người trẻ tuổi khỏe mạnh có thể có nhịp tim dưới 60 lần/phút). Ở người khỏe mạnh, nhịp tim bình thường dao động trong khoảng từ 60 - 80 lần/phút.
Trường hợp nhịp tim trên 100 lần/phút là nhịp tim nhanh. Dưới 60 lần/phút là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm có thể khiến bệnh nhân có cảm giác đau ngực, hồi hộp. Nhiều trường hợp ngất do máu cung cấp lên não không đầy đủ.
Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh tim mạch trẻ tuổi ngày càng tăng. Khi gặp những triệu chứng như đau tức ngực trái dữ dội, hồi hộp, khó thở,…(dấu hiệu của nhồi máu cơ tim), người trẻ không nên chủ quan, cần đến ngay phòng cấp cứu của các bệnh viện để kiểm tra nguy cơ rối loạn nhịp tim.
Nếu được can thiệp và điều trị kịp thời ngay trong thời gian vàng, bệnh nhân sẽ giảm được biến chứng sau nhồi máu cơ tim và giảm nguy cơ đột tử.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim, nên điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế mỡ, da động vật, gan, thức ăn nhanh… Bên cạnh đó nên tích cực tập luyện thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, hạn chế bia, rượu, thuốc lá, giảm stress…
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....