Đau lưng ở bà bầu về cơ bản là dấu hiệu bình thường trong quá trình mang thai. Tuy nhiên có một số trường hợp, đau lưng cũng chính là một dấu hiệu cảnh báo một sự nguy hiểm nào đó.

Vậy mẹ cần làm gì để giảm bớt tình trạng đau lưng cũng như cách đối phó khi đau lưng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm? Chúng ta cùng tìm hiểu các vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.

Đau lưng ở bà bầu về cơ bản là dấu hiệu bình thường trong quá trình mang thai - Ảnh minh họa: Internet

Quá trình mang thai diễn ra trong khoảng 9 tháng 10 ngày nên có thể chia thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn mang thai 3 tháng đầu (Còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất)
  • Giai đoạn mang thai tháng thứ 2 (Tam cá nguyệt thứ 2)
  • Giai đoạn mang thai tháng thứ 3 (Tam cá nguyệt thứ 3)

Dựa vào cách chia trên, chúng ta cũng nên tìm hiểu triệu chứng đau lưng tùy vào 3 giai đoạn tương tự. Mẹ đang mang thai tháng thứ mấy thì có thể tiện theo dõi mình đang bị đau lưng vào giai đoạn nào. 

1. Đau lưng ở bà bầu 3 tháng đầu

Khi cơ thể mẹ đón sự xuất hiện của thai nhi có rất nhiều biến đổi về hormone cũng như hình thể. Những tế bào thai nhi liên tục phát triển khiến cho cơ thể mẹ có thể xuất hiện các cơn đau lưng do sự xuất hiện của hormone relaxin. Hormone này sẽ giúp cho khung chậu giãn nở để có không gian phát triển của thai nhi.

Điều này cũng làm cho hệ thống các dây chằng xung quanh khu vực xương chậu trở nên lỏng lẻo và mềm hơn. Sự suy giảm chức năng nâng đỡ của xương chậu làm cho mẹ mới mang thai xuất hiện các cơn đau lưng.

Sự suy giảm chức năng nâng đỡ của xương chậu làm cho mẹ mới mang thai xuất hiện các cơn đau lưng - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài nguyên nhân chính trên, đau lưng ở giai đoạn này có thể do một số nguyên nhận khác như:

Cơ thể mẹ tăng cân nhẹ: Có thể mẹ sẽ không nhận ra do lúc này mẹ chỉ mới tăng cân rất ít, đặc biệt là những mẹ ốm nghén nặng hầu như không thấy tăng cân. Tuy nhiên cơ thể tăng cân nhẹ là điều bình thường ở  mẹ mang thai. Sự biến đổi cân nặng sẽ tạo sức ép lên lưng, gây ra tình trạng đau lưng.

Do mẹ bị stress

Stress cũng chính là một trong những nguyên nhân gây đau lưng ở mẹ bầu giai đoạn 3 tháng đầu. Những thay đổi của cơ thể có thể khiến cho mẹ trở nên lo lắng hay những cơn ốm nghén làm mẹ mệt mỏi, nôn ói, mất ngủ,...sẽ làm gia tăng cơn đau lưng.

Ngồi sai tư thế

Nếu ngồi làm việc hay nằm ngủ sai tư thế khiến cho cơ thể dễ bị đau lưng. Ở mẹ bầu cũng vậy, có thể do mẹ chưa biết mình đang mang thai để lựa chọn cách ngồi làm việc cho đúng tư thế. Nếu ngồi quá lâu ở một vị trí (thường gặp ở dân văn phòng) hoặc nằm sai tư thế cũng khiến cho mẹ bầu gặp những cơn đau lưng khó chịu.

Động thai

Đây là một trường hợp nguy hiểm, đau lưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo mẹ bị động thai, đặc biệt là giai đoạn những tuần đầu của thai kỳ. Nếu mẹ bầu bị đau vùng thắt lưng kèm theo các triệu chứng khác như tiết dịch âm đạo bất thường, ra huyết đỏ tươi, nâu, đau bụng,... thì cần phải đi khám ngay để được bác sĩ can thiệp kịp thời.

2. Hiện tượng đau lưng ở bà bầu 3 tháng giữa

Nếu mẹ đã trải qua giai đoạn 3 tháng đầu thì hiện tượng đau lưng vẫn có thể "đeo bám" mẹ sang giai đoạn 3 tháng tiếp theo. Đây cũng là tình trạng phổ biến ở những bà mẹ mang thai. 

Có đến 50% trường hợp mẹ mang thai 3 tháng giữa bị đau lưng, cơn đau chủ yếu xuất hiện ở khớp vùng chậu và vùng thắt lưng.

Vậy đau lưng ở bà bầu giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 do đâu? Ngoài những nguyên nhân như ở giai đoạn thứ nhất thì có thể do:

Cơ vùng bụng trở nên yếu hơn

 Các khớp và dây chằng trở nên yếu và mềm hơn do chịu sự tác động của hormone và gia tăng lượng máu cung cấp cho hố chậu. Đây chính là một trong những nguyên nhân xuất hiện các cơn đau lưng ở mẹ bầu.

Vị trí thai nhi

Lúc này, bụng mẹ đã bắt đầu nhô to lên, đồng nghĩa với việc thai nhi phát triển lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn 3 tháng đầu. Khối lượng và vị trí thai nhi gây sức ép lên xương sống lưng của mẹ nên mẹ cảm thấy đau hơn.

Khối lượng và vị trí thai nhi gây sức ép lên xương sống lưng của mẹ nên mẹ cảm thấy đau lưng hơn - Ảnh minh họa: Internet

Do bệnh lý

Có một số trường hợp, chứng đau lưng khi mang thai 3 tháng giữa có thể do mẹ bị đau thần kinh tọa. Nếu mẹ cảm thấy đau đớn ở phía sau một bên chân hoặc phía sau mông thì nghĩ ngay đến trường hợp này.

Nguyên nhân gây nên cơn đau thần kinh tọa chính là các dây chằng ở xương chậu và lưng bị giảm chức năng trong quá trình mang thai.

3. Hiện tượng đau lưng ở bà bầu 3 tháng cuối

Trước hết, chúc mừng mẹ đã trải qua 2 giai đoạn đầu, chỉ còn 3 tháng nữa là mẹ sẽ "về đích". Tuy nhiên, những cơn đau lưng có thể xuất hiện nhiều hơn khi mẹ bước vào giai đoạn này.

 Việc đau lưng ở giai đoạn cuối còn khiến cho mẹ cảm thấy khó chịu hơn bởi không những đau ở vùng thắt lưng, mà còn ở hông, thậm chí tê bại ở khớp háng, mệt mỏi,...

Ngoài những nguyên nhân cơ bản giống như 2 giai đoạn trước là do trọng lượng thai nhi lớn lên gây áp lực cho xương sống, sự thay đổi của hormone trong cơ thể mẹ hoặc ngồi, nằm sai tư thế thì đau lưng ở 3 tháng cuối có thể do:

Đau lưng là dấu hiệu cảnh báo sắp sinh

Nếu thai nhi đã gần đủ 40 tuần tuổi thì đau lưng có thể là dấu hiệu cảnh báo mẹ sắp phải "vượt cạn".

Đau lưng ở những tuần cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu sắp sinh - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài dấu hiệu đau lưng, nếu mẹ kèm theo một số triệu chứng khác như bụng bầu tụt thấp, các khớp xương lỏng lẻo, cổ tử cung giãn nở, tiêu chảy, xuất hiện máu báo, vỡ ối,...thì mẹ nên sẵn sàng vào viện để thực hiện quá trình sinh nở.

4. Một số cách để giảm đau lưng ở bà bầu 

Từ khi bắt đầu quá trình mang thai, để phòng tránh và giảm bớt triệu chứng đau lưng, mẹ bầu cần phải chú ý đến một số thói quen sinh hoạt phù hợp như:

Không mang vác các vật nặng: Nếu bắt buộc phải nâng vật gì đó, mẹ nên đưa vật gần sát chân, gập đầu gối chùng xuống để nâng lên, thay vì cúi lưng xuống như thông thường.

Nằm ngủ đúng tư thế: Mẹ bầu nên nằm ngủ nghiêng về bên trái. Điều này không chỉ tốt cho sự phát triển của thai nhi mà còn giúp mẹ tránh được những cơn đau lưng khó chịu. Ngoài ra mẹ nên đặt một chiếc gối kẹp vào giữa 2 đầu gối, một chiếc chăn mỏng ở phần eo để giúp mẹ cảm thấy thoải mái hơn. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên lưu ý tránh nằm ngửa.


Mẹ bầu nên nằm ngủ nghiêng sang bên trái - Ảnh minh họa: Internet

Đứng, ngồi làm việc đúng tư thế và vận động thường xuyên: Mẹ không nên ngồi lâu một vị trí làm cho máu khó lưu thông và đau lưng. Khoảng 30 phút mẹ nên đi lại nhẹ nhàng và khi ngồi nên để đầu và lưng thẳng hàng.

Mẹ bầu nên ngồi đúng tư thế - Ảnh minh họa: Internet

Kiểm soát tăng cân: Tăng cân là điều dĩ nhiên ở mẹ bầu, tuy nhiên bà bầu cần kiểm soát cân nặng của mình hợp lý từ 10-12kg cho đến khi sinh nở, không nên tăng quá mức này. 

Bỏ giày cao gót: Tránh sử dụng giày cao gót, chúng không những khiến bạn có thể gặp nguy hiểm trong quá trình di chuyển mà còn làm cho tình trạng đau lưng trở nên nặng hơn.

Cuối cùng, khi cảm thấy bị đau lưng, khó chịu mẹ có thể thực hiện một số mẹo giảm đau tại nhà như sử dụng lá ngải cứu và muối hạt rang nóng, bọc vào một cái túi vải và chườm lên vùng lưng bị đau.

Hoặc mẹ cũng có thể làm rượu gừng để xoa bóp mỗi khi bị cơn đau lưng hành hạ.

Trên đây là một số điều mẹ bầu cần biết về hiện tượng đau lưng ở bà bầu. Mẹ hãy nắm rõ để biết cách đối phó kịp thời khi gặp phải.