Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) Anh, bệnh thận là căn bệnh phổ biến, hầu hết mọi người có thể mắc bệnh thận ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, và cứ 10 người mắc bệnh thận thì có khoảng 1 người bị suy thận.

Suy thận, còn được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối, là một tình trạng bệnh lý trong đó thận hoạt động ở mức thấp hơn 15% mức bình thường.

Suy thận được phân loại là suy thận cấp tính, phát triển nhanh chóng và có thể tự khỏi; và suy thận mãn tính, phát triển chậm và thường không thể hồi phục.

Theo Mayo Clinic, lượng nước tiểu giảm có thể là một dấu hiệu của suy thận cấp. Ngoài ra, các vấn đề về thận cũng có thể làm thay đổi mùi nước tiểu.

Theo một nghiên cứu năm 2012, một số người bị suy thận nhận thấy cơ thể có mùi hôi hoặc nước tiểu có mùi hôi.

Bệnh thận khiến các hóa chất trong nước tiểu cô đặc và gây ra mùi giống như amoniac.

Một nghiên ứu khác năm 2012 cho thấy bệnh gan cũng có thể làm thay đổi mùi nước tiểu.

Cũng có báo cáo cho biết, bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát cũng làm thay đổi mùi nước tiểu, cụ thể là làm nước tiểu có mùi ngọt hơn.

Nước tiểu có mùi không phải lúc nào cũng do nguyên nhân nghiêm trọng. Bình thường nước tiểu có mùi nhẹ, nhưng một số yếu tố có thể làm mùi nước tiểu mạnh hơn, ví dụ:

  • Một số loại thực phẩm và đồ uống như măng tây, cà phê
  • Không uống đủ nước (mất nước)
  • Một số loại thuốc
  • Thuốc bổ sung vitamin B6

Nếu nước tiểu có mùi nồng kèm theo đau khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hơn bình thường và nước tiểu có màu đục, đó có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI).

Ngoài nước tiểu có mùi hôi, còn có các triệu chứng khác của suy thận mà bạn cần chú ý như:

  • Tích nước, sưng phù ở cẳng chân, cổ chân hoặc bàn chân
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Lú lẫn
  • Buồn nôn
  • Yếu người
  • Nhịp tim không đều
  • Đau ngực hoặc tức ngực
  • Co giật hoặc hôn mê trong trường hợp nặng

Nếu bạn có các triệu chứng dai dẳng hoặc đáng ngại mà bạn nghĩ có thể do bệnh thận gây ra, hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức.

(Theo Express)