ThS.BS Cao Thị Như, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết nước tiểu có màu trắng đục như sữa hoặc nước vo gạo, đôi khi lẫn cả máu có thể là dấu hiệu của bệnh đái ra dưỡng chấp. Thành phần chủ yếu là triglycerid, còn gọi dưỡng chấp niệu.

Bệnh diễn tiến âm thầm

Theo bác sĩ Như, dưỡng chấp là dịch dinh dưỡng chứa thành phần chủ yếu là triglycerid (este của ba axit béo gắn với nhân glycerol), cùng một ít cholesterol và protein.

Dưỡng chấp được hấp thu tại hỗng tràng và hồi tràng, sau đó vận chuyển qua đường bạch mạch ruột, gọi là ống dưỡng chấp. Ống này dẫn dưỡng chấp vào ống bạch mạch ngực, tiếp tục đổ vào tĩnh mạch dưới đòn trái và tĩnh mạch chủ trên, tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể.

"Chính vì chứa nhiều lipid nên dưỡng chấp có màu trắng sữa. Chế độ ăn càng nhiều mỡ thì đái dưỡng chấp càng rõ màu", bác sĩ Như phân tích thêm.

Nguyên nhân đái dưỡng chấp từ sự thông thương giữa ống bạch mạch với hệ thống đường dẫn niệu trên bẩm sinh. Đây cũng có thể là biểu hiện của tắc ống bạch mạch cao trên thận do giun chỉ hoặc tắc do bệnh lý khác.

Bệnh thường xảy ra ở những người trong độ tuổi lao động (20-50 tuổi). Người bệnh có thể bị sốt nhẹ do nhiễm khuẩn hoặc ít có biểu hiện gì đặc biệt. Bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người không để ý cho đến lúc thấy nước tiểu có màu trắng đục như sữa hoặc nước vo gạo, để lâu sẽ đông lại như thạch, có khi lẫn cả máu.

Nếu có kèm theo đái ra máu, nước tiểu sẽ có màu nâu đậm. Nước tiểu đục tăng lên sau khi ăn vài giờ, nhất là các bữa có nhiều mỡ, thịt, cá, trứng hoặc khi vận động nhiều, mạnh. Tuy vậy, một số trường hợp đái dưỡng chấp không liên quan đến sự vận động.

 

Nước tiểu có màu trắng đục như sữa hoặc nước vo gạo, đôi khi lẫn cả máu có thể là dấu hiệu của bệnh đái ra dưỡng chấp. Ảnh: BVCC.

Đái dưỡng chấp thường xuất hiện từng đợt, có thể tự ổn định, vì vậy, có thể làm cho người bệnh hiểu nhầm là bệnh đã khỏi.

Điều trị như thế nào?

Để xác định có mắc bệnh hay không, người dân sẽ được chỉ định các xét nghiệm, chụp chiếu như làm dưỡng chấp niệu (định lượng hoặc định tính), siêu âm ổ bụng, nội soi bàng quang, chụp cắt lớp hệ tiết niệu, X-quang hệ thống bạch mạch hoặc chụp X-quang bể thận - niệu quản ngược dòng (chụp UPR), xét nghiệm ký sinh trùng…

Các phương pháp điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân sinh bệnh. Nếu do giun chỉ, bệnh nhân cần điều trị nội khoa, điều chỉnh chế độ ăn giàu protein, ít chất béo kèm thuốc điều trị giun chỉ và ấu trùng giun chỉ.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định can thiệp bơm Nitrat bạc 0,5% nhằm bít sự thông thương giữa ống bạch mạch với hệ thống đường dẫn niệu trên. Hoặc người bệnh có thể được can thiệp bằng ngoại khoa để giải quyết vấn đề hiện tượng rò rỉ ống bạch mạch và đài bể thận.

Đái dưỡng chấp tuy không phải là bệnh cấp cứu hoặc nghiêm trọng nhưng gây tâm lý sợ hãi cho người bệnh cũng như cho những người xung quanh.

Tuy nhiên, nếu đái dưỡng chấp nặng thường xuyên, dần dần người bệnh sẽ bị suy kiệt, nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm thận bể thận, rối loạn tự miễn dịch và tử vong do xơ gan, lao phổi, suy dinh dưỡng...

Vì thế, bác sĩ Như khuyến cáo khi thấy nước tiểu đục có váng mỡ hoặc đục như nước rửa thịt, đặc biệt tăng lên nhất là sau khi ăn nhiều thịt, sữa, trứng..., bệnh nhân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.