Dấu hiệu của bệnh viêm não - màng não
Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2 - 8 tuổi
Từ đầu hè đến nay, số lượng trẻ mắc viêm não - màng não phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có xu hướng tăng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị một số ca bệnh nặng, phải thở máy.
Bệnh viêm não ở trẻ em là căn bệnh nguy hiểm, xuất hiện rải rác quanh năm. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, vào mùa nắng nóng, nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng ở trẻ, các gia đình cần hết sức cẩn trọng.
Theo các bác sĩ, bệnh viêm não thường gặp nhất ở trẻ em từ 2 đến 8 tuổi. Đáng nói, viêm não ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm, bệnh tiến triển nhanh.
Nguyên nhân của viêm não thường gặp nhất là nhiễm virus, lây truyền do muỗi hoặc các côn trùng khác… Vì vậy, mùa Hè thường là giai đoạn ghi nhận sự gia tăng các bệnh lý này. Cha mẹ cần lưu tâm để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bệnh ở trẻ.
TS.BS Đặng Thị Thuý, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, viêm não - màng não có thể nhận biết ban đầu so với bệnh khác là sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn vọt, ý thức không lanh lợi. Khi đó, cha mẹ cần cho con đi khám để được chẩn đoán, điều trị sớm.
Trước đó, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cũng tiếp nhận nhiều trẻ em mắc viêm não - màng não nhập viện điều trị. Trong đó, có một số trường hợp trẻ sốt cao trên 39 độ C, xuất hiện co giật toàn thân, co cứng chân tay, sùi bọt mép phải chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị lọc máu, thở máy…
Theo BSCKII Hoàng Tùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, viêm não - màng não do nhiều nguyên nhân gây ra như virus, vi trùng, ký sinh trùng… Bệnh xảy ra quanh năm, tỷ lệ di chứng cao trên 30% nếu nhập viện muộn, thậm chí có thể tử vong.
Các di chứng có thể gặp sau khi trẻ bị viêm não, viêm màng não thường rất nặng nề như: Bại não, liệt chân, liệt tay, bị động kinh, điếc, trí nhớ kém…
Do đó, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của con. Khi trẻ nhỏ bị ho, sổ mũi và có thêm dấu hiệu li bì, khó đánh thức, nôn ói, bú kém, quấy khóc, phồng thóp… cần nghĩ đến nguy cơ viêm não - màng não.
Với trẻ lớn, đau họng, sốt, nôn ói, đau đầu nhiều là triệu chứng của viêm não - màng não. Những trường hợp này cần được đến các cơ sở y tế để được thăm khám sớm, tránh nguy cơ biến chứng.
Hiện nay, một số loại vaccine có thể phòng ngừa được viêm màng não (với tác nhân khác nhau) như vaccine 5 trong 1, 6 trong 1 (ngừa được viêm màng não do vi khuẩn HiB); vaccine phế cầu; vaccine não mô cầu…
Do đó, phụ huynh cần cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vaccine để phòng bệnh.
Ngoài tiêm chủng đầy đủ, phụ huynh cũng cần tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang, vệ sinh thân thể và nơi sinh hoạt, ăn chín uống sôi…
Các bác sĩ cảnh báo, từ nay đến cuối năm, ngoài viêm màng não, bệnh thủy đậu cũng có thể sẽ tăng cao, phụ huynh cần cảnh giác đề phòng.
Biến chứng thường gặp
ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, viêm não - màng não có thể gây biến chứng sớm, gồm: Sốc nhiễm khuẩn; tăng áp lực nội sọ; hôn mê sâu, rối loạn hô hấp, tuần hoàn; liệt (có thể di chứng vĩnh viễn); tràn dịch dưới màng cứng, áp xe não; tắc mạch não, dày dính màng não…
Trong khi đó, biến chứng muộn của bệnh thường là điếc (10 - 15%), não úng thủy: Vòng đầu to, khớp sọ giãn. Người bệnh cũng có thể bị chậm phát triển vận động, trí tuệ, tăng trương lực cơ, rối loạn ngoại tháp hoặc động kinh.
Phương pháp điều trị viêm màng não ở trẻ em phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng của bệnh lý. Cần xem xét đến các yếu tố bệnh lý nền, biến chứng. Trước hết, cần điều trị nguyên nhân.
Theo bác sĩ Hiếu, cần phân biệt nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus hay nấm để sử dụng thuốc kháng sinh điều trị phù hợp.
Cần cho bệnh nhi sử dụng thuốc chống phù não nhằm giảm sự phù nề mô và làm giảm áp lực trong hệ thống dịch não tủy.
Thuốc corticosteroid (Dexamethasone) trong viêm màng não nhiễm khuẩn để chống viêm.
Do đó, nên dùng sớm, kéo dài 3 - 4 ngày để phòng chống biến chứng, đặc biệt là điếc.
Trẻ cũng cần được điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, chống nôn... Cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng nước và điện giải nếu cần.
“Khi thấy trẻ có những dấu hiệu cảnh báo của viêm màng não, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời”, ThS.BS Hiếu khuyến cáo.
Phụ huynh cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Phụ huynh cũng không tự cho trẻ uống các loại thuốc đông y, chữa mẹo theo kinh nghiệm dân gian.
Trì hoãn và chậm trễ trong việc đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bé, làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng về thần kinh do bệnh được điều trị muộn.
“Để phòng bệnh viêm não - màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.