BSCKII Ngô Văn Tuất, Trưởng phòng Điều trị Rối loạn loạn thần và Y học tự sát, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Theo thống kê của WHO, thế giới có khoảng 24 triệu người mắc tâm thần phân liệt. Tại Việt Nam, tỷ lệ dân số mắc bệnh này là 0,3-0,5%. Bệnh khởi phát thường xuyên nhất vào cuối tuổi vị thành niên và những năm 20 tuổi.

Xu hướng xảy ra bệnh ở nam giới thường sớm hơn so với nữ giới. Bệnh tâm thần phân liệt làm tăng nguy cơ tử vong sớm cao gấp 2-3 lần so với dân số chung.

Tâm thần phân liệt là bệnh loạn thần nặng. Bệnh tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính.

Các dấu hiệu sớm khi bệnh tâm thần phân liệt gồm: Thay đổi thói quen ngủ; thay đổi thói quen ăn uống; suy nghĩ kỳ quái, khó hiểu; mất năng lượng; cảm giác lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận; giảm chú ý vệ sinh bản thân; xa cách, thu mình khỏi xã hội; mất hứng thú với những thứ từng được hưởng; ảo giác hay hoang tưởng…

Cơ chế sinh bệnh có thể do giải phẫu sinh lý não, hoạt động sinh hóa não, di truyền hoặc sang chấn tâm lý xã hội... Vì vậy, cha mẹ mắc bệnh có thể di truyền sang con.

Bệnh tâm thần phân liệt có nguy cơ tái phát cao, dao động từ 50 đến 90% trên toàn cầu. Tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân tâm thần phân liệt sau đợt loạn thần đầu tiên trong năm năm đầu tới 80%. Bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều lần tái phát. Nguyên nhân bệnh tái phát thường liên quan tới việc không tuân thủ thuốc điều trị, dùng thuốc hoặc chất kích thích, sang chấn tâm lý…

Người mắc tâm thần phân liệt tái phát thường để lại hậu quả rất nặng nề. Mỗi lần tái phát sẽ gây tổn thương chất trắng và chất xám khiến cho teo não tiến triển.

Các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân của tái phát bệnh tâm thần phân liệt là không tuân thủ thuốc trong năm đầu, tỷ lệ tái phát khoảng 70%. Trong khi đó, nếu tuân thủ dùng thuốc năm đầu, tỷ lệ tái phát khoảng 40%. Nếu tiếp tục tuân thủ thuốc sau một năm, tỷ lệ tái phát dưới 20%.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lạm dụng chất kích thích làm tăng nguy cơ tái phát bệnh và khiến bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Các nghiên cứu dịch tễ cũng ghi nhận, 47% bệnh nhân tâm thần phân liệt có tình trạng lạm dụng chất kích thích khác nhau. Trong đó, 50% bệnh nhân tâm thần phân liệt có lạm dụng rượu và trên 70% lạm dụng nicotin.