Theo Science Alert, thủ phạm làm tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim chính là một thứ được nhắc đến ngày một nhiều những năm gần đây: PM 2.5, là các hạt ô nhiễm dưới dạng bụi siêu mịn.

Ở các đô thị lớn như TP Hà Nội và TP.HCM, các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, xe hơi). Trong đó, sinh bụi nhiều nhất là từ xe chạy bằng dầu, ở công trình xây dựng, các nhà máy điện, từ đốt gỗ hoặc đốt rác, ở các nhà máy công nghiệp…

Nhồi máu cơ tim vì hạt bụi siêu mịn 

Bụi mịn còn tấn công vào phế nang, vượt qua vách ngăn khí – máu để đi vào hệ tuần hoàn và gây bệnh, bụi mịn cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Bụi mịn cũng có thể khiến chỗ tắc mạch máu bình thường không nghiêm trọng bỗng nhiên bị vỡ, tạo ra nghẽn mạch, gây nhồi máu cơ tim.

Bụi PM2.5 được gọi là sát thủ vô hình vì chúng có kích thước nhỏ, chứa nhiều thành phần độc hại, nên khi hít thở nó xâm nhập sâu vào phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, máu, gây nhiều bệnh như nhồi máu tim.

Cần phải lưu ý rằng, không giống như bụi thô, PM2.5 không bị những loại khẩu trang phổ thông ngăn chặn. Với đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet, tức là các hạt này bé hơn 1/30 so với sợi tóc của chúng ta.

Ngừng tim là biến chứng nặng nề nhất của một cơn nhồi máu cơ tim và là một trong những nguy cơ hàng đầu gây đột tử. Ngừng tim ngoại viện đặc biệt nguy hiểm so với ngừng tim tại bệnh viện, bởi trong tai biến này can thiệp khẩn cấp để tận dụng "thời gian vàng" là vô cùng quan trọng.

Tỉ lệ sống sót của các bệnh nhân ngừng tim ngoại viện chỉ là 10%.Vì vậy, một nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim lởn vởn ngay ngoài phố rất đáng để lưu tâm.