Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM

Da gà từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi về tác động đối với sức khỏe. Phần da thường được yêu thích vì độ béo và giòn khi chế biến, nhưng cũng chứa lượng chất béo đáng kể. Vậy da gà thực sự có tốt hay không?

So với da vịt, da gà chứa khoảng 8 g chất béo không bão hòa và 3 g chất béo bão hòa trong mỗi 30 g. Chất béo không bão hòa được biết đến với lợi ích tốt cho sức khỏe, đặc biệt là hỗ trợ giảm viêm và cải thiện mức cholesterol. Tuy nhiên, hàm lượng chất béo bão hòa cao cũng khiến da gà bị coi là không tốt cho những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, hoặc mỡ máu.

Ngoài ra, da gà chứa nhiều Omega-6 hơn các loại thực phẩm khác, một loại axit béo cần thiết nhưng nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể. Đối với những người bị cao huyết áp hoặc các bệnh tim mạch, việc tiêu thụ da gà cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Mặc dù vậy, da gà không hoàn toàn là thực phẩm xấu. Nếu được chế biến đúng cách, như nướng hoặc áp chảo thay vì chiên ngập dầu, và ăn với lượng vừa phải, da gà có thể mang lại năng lượng và một số lợi ích dinh dưỡng.

Da vịt cũng tương tự da gà, ngoài ra da vịt còn là nguồn cung cấp Glycine, một loại acid amin quan trọng và có nhiều vai trò trong cơ thể, ví dụ như chữa lành vết thương, thúc đẩy một giấc ngủ ngon... Mỗi 100 gram thịt vịt (tính luôn da) có thể cung cấp khoảng 1.614 mg loại acid amin này.