Mắc ung thư độ ác tính cao

Trường hợp chị N.T.N 43 tuổi (Hà Nội) đến bệnh viện khám với lý do đau tức thượng vị trong thời gian 3 tháng. Sau khi khám và thực hiện nội soi ống mềm có sinh thiết, kết quả bệnh nhân mắc ung thư tế bào nhẫn dạ dày.

Theo chị N., chị thấy đau tức vùng thượng vị kèm đầy bụng, nhưng không ợ hơi, không ợ chua, không buồn nôn, không tức ngực, không khó thở, đại tiểu tiện bình thường, không gầy, không sút cân nên chị nghĩ đó là đau bình thường nên chị tự mua thuốc về uống.

Dấu hiệu đau không dứt mà đau dồn hơn nên chị N. mới đi khám. Khi bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày, chị N. lo lắng vì từ trước tới nay chị chưa từng đau hay viêm dạ dày bao giờ nên chị chủ quan chẳng đi khám vì không có triệu chứng ợ chua hay đau ở vùng này.

Ảnh minh họa: Internet

Sau khi chẩn đoán bệnh, chị N. đã thực hiện phẫu thuật cắt 2/3 dạ dày và đang điều trị hóa chất.

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Nguyên Giám đốc Bệnh viện E trung ương, cho biết tại Việt Nam, ung thư dạ dày là ung thư thường gặp nhất trong các loại ung thư đường tiêu hóa. Căn bệnh quái ác cướp đi mạng sống của 35.000 người mỗi năm. Tỉ lệ ung thư dạ dày ở nam gấp 2 lần ở nữ, thường gặp trong độ tuổi 40-60 tuổi.

PGS Nghị cho biết ung thư dạ dày thường chia làm 3 mức độ ác tính, nhẹ là thể biệt hóa vừa và biệt hóa thấp, tế bào non nhất, hay di căn và tiến triển nhanh. Ung thư biểu mô tế bào nhẫn thuộc dạng thứ ba, độ ác tính cao, lan rộng nhiều nơi nên khi phẫu thuật phải cắt rộng dạ dày.

Thủ phạm ung thư dạ dày

Theo PGS Nghị những yếu tố ung thư dạ dày hiện nay là do viêm dạ dày mãn tính, đặc biệt viêm teo niêm mạc dạ dày tỷ lệ ung thư dạ dày.

Các nghiên cứu đã chỉ ra vi khuẩn Helicobacter pylori viết tắt là HP được xem là thủ phạm gây ung thư dạ dày. HP bình thường cộng sinh với mọi người nó sống cộng sinh không gây hại và đợi lúc miễn dịch kém đi thì vi khuẩn đó gây viêm loét, chảy máu và viêm nặng và từ đó sinh ung thư.

Tuy nhiên, theo PGS Nghị không phải cứ nhiễm HP là gây ung thư dạ dày. Khi HP này đã chuyển sang dạng độc lực gây viêm như hội chứng trào ngược, những tổn thương cụ thể của dạ dày thì phải điều trị diệt HP để phòng ung thư.

Hiện nay việc tiêu diệt HP không dễ vì là vi khuẩn kháng axit diệt khó phải dùng 2, 3 kháng sinh kết hợp. Sau khi diệt HP xong vẫn phải theo dõi thường xuyên, nếu lại mắc phải thì vẫn phải điều trị và theo dõi vi khuẩn HP luôn là yếu tố giúp hạn chế ung thư dạ dày hoặc phát hiện bệnh sớm nhất có thể.

Viêm dạ dày mãn tính, đặc biệt viêm teo niêm mạc dạ dày tỷ lệ ung thư dạ dày- Ảnh minh họa: Internet

Còn chế độ ăn uống người ta cho rằng ở những nước ăn nhiều đồ ăn mắm, muối có tỷ lệ ung thư gan cao. Thực phẩm có chứa hóa chất Nitrozamine có thể gây ung thư dạ dày. PGS Nghị cho biết người ta cho chuột uống thường xuyên với mức độ đậm đặc thì có thể gây ung thư dạ dày trên chuột. Chính vì thế, nó có thể có yếu tố tác động gây ung thư dạ dày trên người.

Ngoài ra, những chất đạm biến tính từ mắm, từ cá muối, thực phẩm hun khói, sấy khô tạo ra chất gây ung thư nên chú ý. 

Để phòng bệnh, cách tốt nhất là hạn chế các loại thực phẩm có thể sinh ung thư dạ dày và theo dõi thường xuyên nếu mắc viêm dạ dày đặc biệt viêm teo niêm mạc dạ dày.

Những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh dạ dày nên đi nội soi kiểm tra định kỳ.

Hoặc khi thấy những biểu hiện bất thường như chán ăn, mệt mỏi, khó chịu đau bụng, đầy bụng chướng hơi, buồn nôn hoặc nôn, toàn thân mệt mỏi nên đi khám ngay thay vì mua thuốc tự uống, tự điều trị, bác sĩ Nghị nói.