Quýt là loại cây quen thuộc ở nước ta. Quả quýt có mùi thơm, vị ngon ngọt đặc trưng nên rất được yêu thích. Không chỉ là cây ăn quả, quýt còn được dùng làm cây cảnh trong các dịp lễ tết vì âm của quýt gần giống với từ “cát”, từ tượng trưng cho sự may mắn, đoàn tụ.

Quýt vừa là loại quả ngon, vừa là vị thuốc quý. (Ảnh: Internet)

Trong Đông y, vỏ quýt được gọi là trần bì, có tính ấm, tác dụng kiện vị, long đờm, trị ho, trị phong, lợi tiểu, chữa ợ hơi, đau thượng vị. Xơ quýt (cát lạc) có vị đắng, tính bình, giúp phòng ngừa cao huyết áp và rất tốt với người cao tuổi. Hạt quýt (quất hạch) có vị đắng, tính bình, có công hiệu điều hòa khí, giảm đau, tan u cục, thường dùng chữa sa nang, sưng đau tinh hoàn, đau lưng….

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh bằng quýt được Hà Duyệt Phi, Vương Lợi Kiệt biên soạn trong cuốn Những bài thuốc trị bệnh bằng trái cây (Nhà xuất bản Phụ nữ):

Chữa cảm mạo: Vỏ quýt 10g, phòng phong 15g; cho vào nồi đun với 3 cốc nước, sắc lấy 2 cốc; hòa đường trắng uống nóng 1 cốc, sau nửa giờ hâm nóng uống tiếp nửa cốc còn lại.

Chữa viêm tuyến sữa: Hạt quýt tươi 30g; thêm ít rượu, rang khô; đổ nước sắc uống.

Chữa ho nhiều đờm: Cát hồng (một loại vỏ quýt chế) 10g, bột xuyên bối 3g, lá tỳ bà chế 15g; sắc uống.

Trị sa nang, sưng tinh hoàn: Hạt quýt, tiểu hồi lương lượng bằng nhau; rang vàng, tán bột; mỗi ngày uống 3 – 6g với rượu ấm.

Chữa đau lạnh bụng: Trần bì 6g, ô dược 3g, gừng 3g; sắc uống.

Chữa kém ăn: Trần bì 6g, tiêu tam tiên 6g, kê nội kim (màng mề gà) 6g; sắc uống.

Chữa đau chướng mạng sườn: Xơ quýt 10g, vỏ quýt xanh 10g, hương phụ 10g; sắc uống.