Chuẩn bị chu toàn mọi thứ khi ngồi vào bàn học

Nhiều trẻ có thói quen làm việc khác khi đang học bài như: Đi uống nước, đi vệ sinh, chạy ra khỏi bàn học tìm kiếm sách vở… Việc này làm giảm sự tập trung của trẻ và khiến cha mẹ khó chịu.

 

Để giải quyết triệt để vấn đề trên, cha mẹ hãy hướng dẫn con chuẩn bị chu toàn trước khi học, chỉ để con rời khỏi bàn học khi thật sự cần thiết. Điều này giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung, giúp chất lượng học tập cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, trong quá trình học, cha mẹ không nên để con nghịch điện thoại hay đồ chơi.

Ảnh minh họa: Internet

Trước khi làm bài, hãy lập danh sách kế hoạch

Cha mẹ hãy hướng dẫn con xây dựng kế hoạch khoa học trước khi bắt tay giải quyết bài tập. Chẳng hạn như liệt kê số lượng bài tập các môn cần hoàn thành, sắp xếp việc cần làm theo mức độ ưu tiên. Như vậy, trẻ sẽ dễ hình dung những việc mình cần làm, không bị bỏ sót, không bị choáng ngợp.

Trong quá trình con học, cha mẹ có thể để một chiếc đồng hồ trên mặt bàn để giúp con ước tính thời gian. Trẻ sẽ có động lực hoàn thành bài về nhà theo quy định đã đặt ra trước đó.

Phối hợp tốt với cô giáo để xử lý tốt các vụ quên làm bài tập của trẻ

Với một đứa trẻ, lời nói có trọng lượng nhất ở trường là cô giáo. Mặc dù ba mẹ có thể để trẻ tự giác mà không bắt trẻ học nhưng nếu không có sự kết hợp với thầy cô thì không nhắc trẻ sẽ quên luôn. Trẻ không học, bài tập vẫn đấy. Không ai khác ngoài cô giáo sẽ là người phạt trẻ vì tội không làm bài. Sau vài lần bị phạt trẻ sẽ dần ý thức việc học là của mình.

Ảnh minh họa: Internet

Tuyệt đối không bênh trẻ khi trẻ bị cô mắng

Chắc hẳn ba mẹ nào cũng sẽ cảm thấy thương con khi con bị phạt, bị mắng ở lớp. Tuy nhiên, ba mẹ không nên nóng vội trong những trường hợp này. Nếu bé bị phạt do lười học, không chú ý nghe giảng,… ba mẹ hãy “mềm nắn rắn buông”. Hãy vừa cho bé hiểu rằng bé đã sai và nhận phạt từ cô giáo là điều tất nhiên, ba mẹ không thể bênh được.

Tất nhiên sau đó, đừng quên dỗ bé, chỉ cho bé sai ở đâu, nhắc nhở bé lần sau không được tái phạm nữa. Việc để bé chấp nhận bị cô mắng, cô phạt khi bé phạm lỗi là rất cần thiết. Nhờ đó bé sẽ tự lập hơn, tự nhận thức được lỗi sai của mình để không phạm phải nữa.

Kiểm tra sau khi con đã hoàn thành

Cha mẹ không nên ngồi kèm con học bởi như vậy sẽ gây căng thẳng cho trẻ. Nhưng cha mẹ cũng không thể phó mặc, không quan tâm đến trẻ. Sau khi con học xong, các bậc phụ huynh nên dành thời gian kiểm tra xem con đã hoàn thành bài tập chưa, còn điều gì vướng mắc, đã học thuộc lòng lý thuyết?

Việc cha mẹ kiểm tra vào cuối buổi sẽ giúp trẻ cảm thấy được sự quan tâm sát sao, từ đó chú tâm học tập hơn. Đặc biệt, việc kiểm tra còn giúp trẻ củng cố khả năng ghi nhớ, khắc sâu kiến thức, có hứng thú làm bài tập hơn. 

Trong quá trình kiểm tra, cha mẹ nên dành những lời khen, lời động viên cổ vũ tinh thần con. Điều này sẽ giúp trẻ hăng hái, thiết lập sự tự tin. Hãy đưa ra cho con những phản hồi tích cực khi trẻ có sự tiến bộ theo từng ngày. Đồng thời, nếu cha mẹ thấy con chưa nắm vững phần kiến thức nào thì hãy giúp con tìm ra giải pháp, hướng dẫn một cách nhẹ nhàng. 

Ảnh minh họa: Internet

Trở thành người bạn đồng hành cùng con không hề dễ

Người lớn trước khi trở thành cha mẹ đã có kinh nghiệm làm trẻ em nhưng trẻ em chưa bao giờ có kinh nghiệm làm người lớn. Chính vì vậy, cha mẹ không nên chỉ thể hiện tình yêu thương khi con trẻ đạt thành tích hay chăm ngoan mà phải yêu thương vô điều kiện.

Không nên so sánh cá nhân trẻ với anh chị em khác trong nhà hoặc so sánh con mình với con người khác bởi mỗi đứa trẻ đều phát triển khác nhau, tính cách và suy nghĩ khác nhau. Chỉ có cha mẹ là phải học cách yêu thương con cái giống nhau.

Học yêu thương thôi chưa đủ, cha mẹ phải học cách lắng nghe con trẻ. Tập trung nghe con chia sẻ những câu chuyện vui buồn, cả tích cực và tiêu cực xảy ra với trẻ hằng ngày, không phán xét, chỉ trích hay giảng đạo.

Các chuyên gia định nghĩa một người lắng nghe con trẻ tốt là sau khi lắng nghe sẽ hiểu rõ cả nội dung và cảm xúc của con trẻ. Vì vậy khi con trẻ chia sẻ câu chuyện của mình, cha mẹ cần chú ý cử chỉ, điệu bộ và nét mặt để hiểu cảm xúc của con mình ngày hôm đó vui hay buồn, hạnh phúc hay không hạnh phúc. Từ đó sẽ đồng cảm, thấu hiểu con trẻ nhiều hơn.

Tuyệt đối đừng làm những điều này với con bạn

Cha mẹ thiếu kiên nhẫn, cảm xúc bất ổn

Nhiều cha mẹ thiếu kiên nhẫn, không kiểm soát tốt cảm xúc dẫn đến dễ dàng nổi nóng với con. Thấy con viết xấu, trả lời sai câu hỏi, dạy mãi không hiểu… họ lập tức quát mắng con. Điều này khiến đứa trẻ sợ hãi, thậm chí là bật khóc, còn phụ huynh cảm thấy bực bội. 

Có 2 lý do khiến phụ huynh không kiểm soát được cảm xúc. Điều đầu tiên là bởi họ kỳ vọng vào con quá nhiều. Họ cho rằng chỉ cần dạy thoáng chốc là con sẽ hiểu bài. Nhưng thực tế thì không như vậy. Điều thứ hai bởi cha mẹ tư duy vấn đề bậc cao nên khi giảng lại cho con, đứa trẻ không thể hiểu được cách làm của người lớn. Trẻ mới tiếp xúc kiến thức, cần phải học đi học lại nhiều lần mới có thể nắm vững. Trẻ chưa thể tư duy như người lớn, vì vậy cha mẹ cần điều chỉnh nhận thức ngang tầm với con trong quá trình giảng bài.

Ảnh minh họa: Internet

 Can thiệp quá mức, giám sát con từng ly từng tý

Một sai lầm phổ biến khác khi kèm con học là cha mẹ can thiệp quá mức. Lúc này, phụ huynh giống như một giám sát viên bất đắc dĩ. Họ lên kế hoạch học tập, yêu cầu con thực hiện mà không cho con sự lựa chọn. Họ lập tức chỉ ra hàng loạt lỗi con mắc phải bằng thái độ bực bội. Phương pháp này chỉ khiến cha mẹ mệt mỏi, trẻ càng trở nên lười biếng, ỷ lại. 

Các bậc phụ huynh cần hiểu rõ rằng trẻ mới là người chịu trách nhiệm cho việc hoàn thành bài tập. Cha mẹ chỉ là người hỗ trợ, chứ không nên can thiệp quá mức. Việc nhìn chằm chằm mỗi khi con học, ngắt lời khi con trả lời sai chẳng những không giúp trẻ cải thiện điểm số mà còn làm giảm khả năng tập trung, đồng thời gây áp lực lớn cho trẻ.