Hoại tử vì đắp thuốc

Mới đây nhất, bà Nguyễn Thị T. (63 tuổi, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ) bị bỏng ở cánh tay phải do nấu rượu. Sau khi bị bỏng, bà T. không đến bệnh viện mà ở nhà mua thuốc lá về đắp vào vết bỏng.

Sau 5 ngày điều trị, vết bỏng không những không liền mà ngày càng loét to, đen lại và bốc mùi hôi thối. Gia đình đưa bà T. vào bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết khi tiếp nhận bà T. vết bỏng toàn bộ vùng cẳng tay, cánh tay phải nhiễm trùng nặng.

Cánh tay phải của bệnh nhân là mớ hỗn hợp gồm chất bẩn màu đen (được cho biết là thuốc nam) cùng giấy bết dính cùng dịch mủ két dính chặt vào cánh tay. Các bác sỹ phải rất vất vả để có thể làm sạch, gỡ toàn bộ chất bẩn ra khỏi vết thương. 

Cánh tay của bà T. bị hoại tử nặng - Ảnh Bệnh viện cung cấp 

Hay như trường hợp của bà Phạm Thị Ng. (56 tuổi, Ân Mỹ, Hưng Yên) phải vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) điều trị trong tình trạng bàn chân trái đen xì, mùi thối bốc lên nồng nặc.

Theo bà Ng. khoảng 10 ngày trước, bà Ng. nấu nước tắm vô tình bà bị nước sôi nóng đổ vào chân trái nên bỏng nặng. Lúc đó, chân bà Ng. lại đang đi tất nên khi tháo tất  mảng da lớn ở bàn chân bị lột ra theo.

Dù rất đau, bà Ng. chỉ bôi mỡ trăn và ở nhà tự bôi thuốc và giã lá cây đắp. Vết bỏng có khô nhưng chân càng ngày càng đau. Khi ấn vết thương ở bàn chân thì rất đau và bốc mùi thối như mùi cóc chết. 

Lo lắng, bà Ng. được con trai đưa lên Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn điều trị nhưng cả bàn chân trái đã bị hoại tử do bỏng và điều trị sai cách. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ phần hoại tử sau đó chuyển bà Ng. sang Viện Bỏng quốc gia để ghép da bàn chân.

Bà Ng. xót xa vì không hiểu đúng và điều trị sai dẫn đến suýt mất bàn chân cũng như tốn kém trong điều trị.

Sơ cứu bỏng như nào?

Bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết hầu như tuần nào khoa cũng tiếp nhận các bệnh nhân bị bỏng và đắp lá nam rồi bôi các loại thuốc khiến bệnh nặng hơn.

Theo Bác sĩ Thống, có trường hợp trẻ bị bỏng do đứng cạnh bố nướng mực. Khi bé bị bỏng bố đã lấy kem đánh răng bôi và khi vào viện thì cả đùi và vùng bẹn bị tổn thương nặng.

Bác sĩ Thống nhấn mạnh không thể phủ nhận vai trò trị bỏng của đông y. Tuy nhiên, việc điều trị này cũng phải được bác sĩ đông y điều trị bài bản chứ không phải cứ bỏng là đắp thuốc. Nhiều thầy lang, bà mế quảng cáo có các bài thuốc chữa bỏng và bệnh nhân phụ thuộc vào may rủi có người được có người không. 

Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng khi bị bỏng - Ảnh minh họa: Internet

Mặt khác,  bác sĩ Thống cho biết chưa kể thuốc đông y thuốc nam hiện nay không được đảm bảo. Một số trường hợp thuốc được trộn hoá chất bảo quản và đắp vào vết thương hở sẽ càng nguy hiểm hơn.

Bỏng để lại hậu quả nặng nề nếu bệnh nhân chỉ bị bỏng nhẹ ở vùng thượng bì gây đỏ, rát thì không cần nhập viện nhưng bỏng ở độ 2, độ 3 thì phải nhập viện nhất là trẻ nhỏ. Điều trị không bài bản sẽ ảnh hưởng tới vết thương, để lại sẹo, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng vì nhiễm trùng máu. 

Theo bác sĩ Thống khi sơ cứu bệnh nhân bỏng cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, bạn cần đưa nạn nhân ra vòi nước mát, sạch và dội lên vết bỏng.

Bỏng ở phần tay, chân có thể ngâm trong nước mát 10 – 15 phút làm giảm nhiệt cho vết bỏng. Bỏng toàn thân cũng cố gắng dội nước mát. Người sơ cứu không lột các loại quần áo, tất của nạn nhân vì gây tổn thương da mà nhẹ nhàng cắt bỏ.

"Tuyệt đối, không bôi các loại kem đánh răng, nước mắm, mực lên vết bỏng. Một vài người chườm đá cho nạn nhân điều này không có tác dụng hạ nhiệt mà còn nguy hiểm hơn, chỉ sử dụng nước mát. Sơ cứu trong vòng 15 – 20 rồi nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện để được hỗ trợ điều trị", bác sĩ Thống thông tin.