Tôi nghe nói rằng quất ngâm mật ong có thể chữa được các bệnh về hô hấp. Tôi có con nhỏ 10 tháng tuổi, có thể dùng quất ngâm mật ong cho cháu uống được không và cần đề phòng tác dụng phụ gì? (Ngọc, Hà Nội)

Trả lời

Theo dược học cổ truyền, quả quất vị chua ngọt, tính mát, có công dụng khai vị lý khí (kích thích tiêu hoá), chỉ khát nhuận phế (làm hết khát và có lợi cho tạng phế), chỉ khái hoá đàm (giảm ho và trừ đờm), thường được dùng để chữa các chứng bệnh như ngực bụng chướng đau, chán ăn, nôn nấc, ho khạc nhiều đờm, ho hen và giải độc từ cua, cá.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy quả quất có chứa nhiều pectin, tinh dầu, đường và các vitamin, có tác dụng chống viêm, chống loét, trừ đờm, bình suyễn, kháng khuẩn, kháng virus và cải thiện chức năng tim mạch.

Trong khi đó, mật ong vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ trung, nhuận táo, giảm đau, giải độc, thường được dùng để bổ dưỡng cho các trường hợp suy nhược cơ thể.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy mật ong có tác dụng kháng khuẩn, trừ đờm, giảm ho, giải độc, bảo hộ tế bào gan, nhuận tràng, tăng cường công năng miễn dịch, hạ huyết áp, phòng chống vữa xơ động mạch và dưỡng da, rất có lợi cho quá trình sinh trưởng và phát dục của trẻ em.

Như vậy, có thể thấy cả hai vị thuốc đều có tác dụng tốt đối với cơ thể nói chung và đường hô hấp nói riêng.

Quất ngâm mật ong là vị thuốc tốt với cơ thể nói chung và đường hô hấp nói riêng. (Ảnh minh hoạ)

Việc sử dụng bài thuốc quất ngâm mật ong để chữa một số bệnh lý hô hấp là hoàn toàn có cơ sở khoa học và trên thực tế đây là một phương thuốc dân gian rất phổ biến, thường được dùng để phòng, chống các chứng bệnh có ho suyễn, khạc đờm... Bởi vậy, có thể yên tâm và mạnh dạn dùng cho trẻ nhỏ mà không sợ có phản ứng độc hại.

Tuy nhiên, với bé 10 tháng tuổi thì cách pha chế và cách uống quất ngâm mật ong phải rất hợp lý thì mới mong đạt được hiệu quả và dự phòng hữu hiệu các phản ứng nôn trớ và bị sặc khi uống.

Cách tốt nhất là dùng 1 quả quất (khoảng 10g), rửa sạch, cho vào chén rồi nghiền nát, chế thêm một chút mật ong rồi đem hấp cơm trong 15-20 phút, sau đó lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước đun sôi rồi chia uống vài lần trong ngày.

Khi cho trẻ uống, cần chú ý bế trẻ lên tay, dùng thìa nhỏ, đổ thuốc từ từ vào dưới lưỡi để tránh các phản ứng không mong muốn.

Để tăng thêm công hiệu của thuốc, có thể hấp quất và mật ong cùng với hoa hồng bạch 5g, hạt chanh 5g, lá hẹ 5g hoặc xuyên bối mẫu 1g tán vụn.

ThS. HOÀNG KHÁNH TOÀN

Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108