Có một cặp vợ chồng đã bên nhau 10 năm, người vợ có bản tính hay cằn nhằn, chồng cô ấy thì khá nóng nảy. Con của hai người được giao cho mẹ chồng chăm sóc. Do sự khác biệt của hai thế hệ trong việc giáo dục trẻ nhỏ nên họ thường xuyên cãi nhau.

Con trai nhiều lần phản ứng gay gắt với mẹ: "Cháu hư là tại bà, quả nhiên là không sai!". Mỗi lần bị con trai chất vấn, bà chỉ biết khóc thút thít nhưng chưa bao giờ bỏ bê việc chăm cháu.

Về phần người vợ, cô thường vênh mặt hất hàm sai khiến chồng, điều này khiến anh nổi cáu và hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Cô ấy thắc mắc: "Tại sao mẹ chồng bị con trai mắng thì bà cam chịu, còn vợ chồng tôi cãi nhau thì suýt ra tòa ly hôn?".

Kết cục thảm hại nhất trong hôn nhân không phải là ly hôn, mà cả hai vợ chồng đều biến thành người lạ. Ảnh: shutterstock

Đơn giản đó là vì họ là người thân. Người thân là cho dù bạn làm bất kì điều gì sai trái, bạn vẫn được người nhà chấp nhận và bao dung vô điều kiện. Chẳng hạn, con gái và mẹ tranh cãi nảy lửa, nhưng ngày hôm sau cả hai mẹ con vẫn có thể làm hòa. Bởi hai người ấy được gắn kết bởi tình mẹ con nên đây gọi là cảm giác an toàn.

Nhưng nếu bạn xem người bạn đời giống như người thân, cả hai phía sẽ vô thức làm tổn thương nhau và điều này gọi là nguy cơ tiềm ẩn. Bởi vì bạn đã quên mất điều quan trọng, bạn và người bạn đời không hề được gắn kết bởi quan hệ huyết thống. Nếu hôn nhân của bạn và người bạn đời rạn nứt, người ấy có thể rời bỏ bạn bất cứ lúc nào, còn người thân sẽ không bao giờ đối xử với bạn như thế.

Sau khi kết hôn, hầu hết đàn ông không để ý đến cảm xúc của vợ, thậm chí không chịu nghe hết tâm tình của bạn đời, người họ vốn từng rất kiên nhẫn. Những cảm giác nóng bỏng thuở đầu dần bị cơm áo gạo tiền che khuất, khiến tình cảm lứa đôi nguội lạnh. Cuối cùng khi trái tim không được sưởi ấm, tình yêu giữa vợ chồng cũng dần phai nhạt

Khi trái tim không được sưởi ấm, tình yêu giữa vợ chồng cũng dần phai nhạt. Ảnh: shutterstock

Dưới cùng một mái nhà, cùng ăn, cùng ở nhưng họ lại ngủ riêng, rất ít khi bộc lộ cảm xúc cho đối phương thấu hiểu. Chồng không quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của vợ và ngược lại người vợ cũng không quan tâm xem chồng nay đi đâu, với ai hay về nhà muộn không?

Cuộc hôn nhân này không có ai ngoại tình, chẳng có lời cãi vã mệt mỏi, cũng không có sự lãng mạn hay quan tâm chăm sóc giữa hai vợ chồng. Họ trở thành hai kẻ xa lạ sống chung dưới một mái nhà, giống như hai đường thẳng song song không bao giờ cắt nhau.

Nhà tâm lý học Lý Nhiễm (Trung Quốc) cho hay đó là một kiểu hôn nhân khác: "Họ là vợ chồng vào ban ngày, là bạn cùng phòng vào ban đêm. Trước mặt hàng xóm là vợ chồng tốt, nhưng ban đêm lại là hàng xóm tốt".

Ở hai con người này không tồn tại tình nghĩa vợ chồng mà chỉ vì lợi ích gia đình. Dù mệt mỏi nhưng cả hai vẫn hợp tác cùng nhau để có được thứ mình cần.

"Tại sao anh không nói gì với em?", "Bởi vì chúng ta không có điều gì để nói với nhau!" - Đây chính là cuộc hội thoại thường thấy của những người lạ từng thân thuộc nhất. Khi hai vợ chồng đánh mất cảm giác yêu, nghĩa là họ không còn trông đợi vào nhau, nếu họ vẫn tiếp tục sống chung dưới một mái nhà, đó được xem là điều bất hạnh nhất trong hôn nhân.

Khi tình yêu biến thành tình thân, đó thực chất là sự che đậy cho một tình yêu đã chết. Ảnh: shutterstock

Zhihu - một trang web hỏi và trả lời của Trung Quốc, có một tài khoản đã giải thích rằng, khi tình yêu biến thành tình thân, đó thực chất là sự che đậy cho một tình yêu đã chết. Hai người trên danh nghĩa vợ chồng, nhưng họ không còn duy trì hình tượng tốt đẹp trong mắt nhau, không còn cảm xúc say đắm lãng mạn, không còn che chở yêu thương nhau, không còn cố gắng làm vui lòng nhau...

Có một câu nói: "Hôn nhân không phải là điều tuyệt vời nhất, hôn nhân có tình yêu mới là tuyệt vời nhất". Nói cách khác, một cuộc hôn nhân có tình yêu có thể biến những thứ tầm thường như củi, gạo, dầu, muối thành mật ngọt cho tình cảm vợ chồng.

Kết cục thảm hại nhất trong hôn nhân không phải là ly hôn, mà cả hai vợ chồng đều biến thành người lạ.