Suy thận mạn là gì?

Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận khiến cơ quan này không thể loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Lâu dần, chất thải bị tích trữ, tồn đọng, gây hại và ảnh hưởng đến các cơ quan khác cũng như nguy hiểm đến tính mạng. Khi bị suy thận ở những giai đoạn cuối, người bệnh phải đi chạy thận để kéo dài sinh mệnh.

Vào những giai đoạn cuối, người bị suy thận mạn phải chạy thận để kéo dài sự sống

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Võ Hoài Ân - Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận cho biết: "Ở những giai đoạn đầu, bệnh suy thận không có dấu hiệu để phát hiện. Khi đến những giai đoạn cuối, bệnh mới có các triệu chứng phù nề, tiểu ra máu, nước tiểu có bọt,... Lúc này người bệnh suy thận bị nhiều biến chứng nguy hiểm và phải được can thiệp y khoa để kéo dài sự sống.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn như: Đa nang (nhiều u nang thận), viêm cầu thận, xơ vữa động mạch làm tổn hại mạch máu trong thận,.... Trong đó, cao huyết áp cũng là một trong những lý do gây ra suy thận mạn".

Bác sĩ Võ Hoài Ân - Trưởng khoa Nội thận lọc máu bệnh viện quận Phú Nhuận - Ảnh minh họa: Internet

Cao huyết áp là gì?

Cao huyết áp (tăng huyết áp) là tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu đi quá cao. Một số người bị cao huyết áp sẽ gặp triệu chứng đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam.

Cao huyết áp (tăng huyết áp) là tình trạng áp lực máu đẩy vào thành động mạch khi tim bơm máu đi quá cao - Ảnh minh họa: Internet

Bạn có thể bị cao huyết áp trong một thời gian dài nhưng không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn này, cao huyết áp đã có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Tại sao tăng huyết áp thất thường gây suy thận?

Một trong những biến chứng nguy hiểm của tình trạng tăng huyết áp thất thường là suy thận.

"Rất nhiều người không quan tâm đến sức khỏe, thấy tăng huyết áp thường xuyên thì mua thuốc hạ huyết áp uống rồi cho là hết bệnh. Họ không đi khám bác sĩ để xem tình trạng tăng huyết áp thất thường và kéo dài có tác hại gì, lâu dần dẫn đến sự tổn thương của các cơ quan khác, trong đó có thận.

Tăng huyết áp lâu ngày không được kiểm soát sẽ làm tăng áp lực ở cầu thận, khiến thận phải làm việc vất vả hơn. Khi tình trạng này kéo dài sẽ khiến lượng protein trong nước tiểu tăng bất thường, dẫn đến suy thận. 

Đồng thời, khi áp lực máu tăng cao, các mạch máu mỗi một ngày phải giãn ra để máu lưu thông dễ dàng hơn. Mặc khác, mạch máu quanh thận bị hẹp và xơ cứng khiến máu không thể đến được cơ quan này, dẫn đến suy thận" - Bác sĩ Võ Hoài Ân chia sẻ.

Cao huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh suy thận  - Ảnh minh họa: Internet

Sự co giãn mạch máu, đặc biệt ở thận, khiến cơ quan này bị tổn thương, hoạt động loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể bị trì trệ. Trong khi đó, những chất thải có hại bị giữ trong máu lại gây tăng huyết áp hơn nữa. Đây là một chu kỳ rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Giải pháp ngăn chặn biến chứng suy thận của cao huyết áp

Cao huyết áp không chỉ dẫn đến suy thận mà còn gây ra các bệnh về xơ vữa động mạch, đột quỵ, tiểu đường,...

Để cải thiện tình trạng tăng huyết áp, các bác sĩ khuyến cáo bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên, có lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp với luyện tập thể dục thể thao. Khi bị tăng huyết áp, phải điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Ăn uống lành mạnh

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những điều kiện cơ bản để ngăn ngừa tình trạng tăng huyết áp.

"Trong bữa ăn hàng ngày, bạn nên dùng nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, trong khi nấu, không nên nêm nếm quá mặn để tránh tăng huyết áp. Bỏ thuốc lá và rượu bia cũng là yếu tố quan trọng giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn" - Bác sĩ Ân khuyên.

Xây dựng chế độ ăn lành mạnh để phòng ngừa cao huyết áp cũng như nâng cao sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Hoạt động thể chất

Luyện tập thể dục, tăng cường các hoạt động thể chất là điều mà chúng ta phải làm để có cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh.

Luyện tập thể dục để tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể chất - Ảnh minh họa: Internet

"Các bài tập, vận động nhẹ nhàng sẽ hỗ trợ các cơ quan trong cơ thể đào thải độc tố, nâng cao sức đề kháng. Mỗi ngày, bạn nên dành thời gian để chạy bộ, chơi thể thao,... để ngăn ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Với người bị tăng huyết áp, nên luyện tập các động tác nhẹ nhàng. Đồng thời, nên kiểm soát căng thẳng để tránh hệ thần kinh bị kích động, tăng tuần hoàn máu.

Duy trì cân nặng

Những người có chỉ số cân nặng quá cao thường gặp phải các vấn đề về huyết áp. Trường hợp này, điều chỉnh cân nặng ở mức phù hợp và điều cần thiết phải làm để ổn định sức khỏe, ngăn ngừa huyết áp tăng giảm thất thường dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Kiểm soát cân nặng để ngăn ngừa bệnh béo phì, máu nhiễm mỡ, cao huyết áp - Ảnh minh họa: Internet

Như vậy, tình trạng tăng huyết áp thất thường gây hậu quả nghiêm trọng đến thận và các cơ quan nội tạng khác. Biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe trong trường hợp này là duy trì lối sống lành mạnh, kiểm soát cân nặng, tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ ăn hợp lý.

Đồng thời, khi thấy cơ thể mệt mỏi, tăng huyết áp thường xuyên, hãy đi khám bác sĩ để có những chuẩn đoán, tiến hành các xét nghiệm và có biện pháp can thiệp kịp thời.