Thời tiết giao mùa từ đông sang xuân, có không ít trẻ phải nhập viện vì các bệnh lý tai mũi họng trong đó có viêm tai giữa. Con số này tăng khá nhanh trong thời điểm vừa qua.

Không ít bậc phụ huynh khi thăm khám cho con đã bất ngờ khi nghe bác sĩ chia sẻ về những nguyên nhân cũng như biến chứng của viêm tai giữa ở trẻ.

Thăm khám cho cháu, PGS. TS Nguyễn Thị Hoài An – giám đốc Bệnh viện An Việt, nguyên Trưởng khoa BV Tai Mũi Họng Trung ương cho biết viêm tai giữa là bệnh lý gặp ở rất nhiều trẻ nhỏ. Bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm và triệt để.

Những nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở trẻ

Do rối loạn của chức năng vòi nhĩ (chức năng cân bằng áp suất tai giữa và áp suất không khí bên ngoài), khi bị viêm tai giữa thì sẽ làm tắc cửa vòi nhĩ dẫn đến áp suất âm trong tai giữa tăng lên, gây ra tình trạng tiết dịch.

Do mũi họng bị viêm làm cho trẻ bị viêm tai giữa và có mủ.

Mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ sẽ gây tắc mũi dẫn đến tạo áp lực âm trong tai giữa khiến cho chất nhầy tích tụ ở vòm mũi họng

Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi, xoang hoặc do các khối u khu trú ở vòm mũi họng…

PGS Hoài An cho biết viêm tai giữa có thể một số biến chứng nguy hiểm của viêm tai giữa có thể kể đến như:

Mất thính lực: Ở giai đoạn nặng, bệnh có thể dẫn đến mất thính lực ở trẻ, gây ra tình trạng trẻ chậm nói, chậm phát triển.

Viêm tai xương chũm: Não có vị trí gần tai. Do đó viêm tai giữa dễ dẫn đến viêm tai xương chũm. Viêm thông qua các mạch máu đến màng cứng não, gây nhiều biến chứng nghiêm trọng, tổn thương não như áp xe não, viêm xương quanh hộp sọ…

Thủng màng nhĩ: Bệnh viêm tai giữa có thể tái phát nhiều lần, tạo thành những ổ mủ trong tai gây thủng màng nhĩ ở trẻ.

Viêm màng não: Viêm tai giữa gây ra các biến chứng về nội sọ như viêm não, viêm màng não, nhiều trường hợp nặng có thể gây tử vong.

Chính vì thế, phụ huynh khi thấy có các dấu hiệu: đau tai, quấy khóc khi nằm, chảy dịch, mủ ở tai; trẻ thường sờ, kéo mạnh tai, gãi tai như có gì khó chịu; giảm thính lực, nghe kém, phản ứng chậm với âm thanh; trẻ mất thăng bằng, dễ ngã và sốt cao, có thể trên 38 độ C, sổ mũi, chảy nước mũi cần đến ngay bệnh viện thăm khám.