Cháo hành gừng giấm: Sinh khương, giấm mỗi loại 10g, hành 30g, gạo nếp 50g; hành rửa sạch thái nhỏ, gừng rửa sạch thái lát, cho vào nồi nấu cháo cùng gạo nếp; khi cháo chín thêm giấm, nấu sôi lại là được; sáng, tối mỗi bữa ăn 1 bát. Món cháo này có công hiệu phát tán phong hàn, dưỡng gan, thích hợp với chứng đau đầu, phát sốt, sợ lạnh, đau nhức toàn thân do cảm mạo ban đầu gây ra.

Hành được dùng trong nhiều món cháo chữa cảm mạo

Cháo lá tía tô: Lá tía tô 20g, gạo lứt 160g; rửa sạch lá tía tô, thêm 300ml nước, nấu còn 150ml, lấy nước bỏ bã, cho gạo lứt với nước tía tô vào nồi, thêm nước nấu cho cháo chín là được; ăn vào buổi sáng và tối. Món cháo này có công hiệu lý khí khứ hàn, thích hợp với chứng cảm mạo phong hàn. Tuy nhiên, người bị bệnh ôn nhiệt nên kiêng ăn.

Cháo thương nhĩ gạo lứt: Thương nhĩ tử 10g, gạo lứt 60g; cho thương nhĩ tử lên chảo sao vàng, cho 200ml vào đun cạn còn 100ml, lấy nước bỏ bã, thêm gạo lứt vào nước thương nhĩ, thêm nước vừa đủ để nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 1 thang lúc nóng, chia 2 bữa sáng chiều. Món cháo này có thể bổ tỳ kiện vị, khứ phong trừ thấp, thích hợp với chứng đau đầu, ngạt mũi, phong hàn, cảm mạo. Tuy nhiên, người huyết hư nên kiêng ăn.

Cháo phòng phong hành: Phòng phong 13g, hành 3 cây, gạo lứt 60g; rửa sạch phòng phong, hàng, cho vào nồi nước, dùng lửa to đun sôi, chuyển lửa nhỏ nấu thành nước đặc; cho gạo vào nấu thành cháo, đợi cháo chín nhừ thì thêm nước phòng phong vào nấu thêm 10 phút; ăn lúc đang nóng, sau khi ăn tránh gió để ra mồ hôi. Cháo có công hiệu giải biểu tán hàn, khứ phong cho ra mồ hôi, thích hợp với chứng phong hàn cảm mạo.

Cháo kinh giới: Kinh giới 10g, bạc hà 5g, đậu xị nhạt 10g, gạo 100g; kinh giới, bạc hà rửa sạch, cho vào nồi cùng đậu xị, thêm nước nấu sôi khoảng 5 phút, bỏ bã lấy nước; gạo nấu thành cháo, khi cháo chín cho nước thuốc vào nấu sôi lại; chia 2 lần ăn khi nóng, ăn liền 2-3 ngày. Món cháo này có công hiệu phát tán phong hàn, thích hợp với chứng phong hàn cảm mạo.