Chóng mặt và buồn nôn khi tắm do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này?
Chóng mặt và buồn nôn là triệu chứng của nhiều tình trạng sức khỏe và bạn rất dễ gặp phải. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi tắm. Mặc dù không phải lúc nào cũng gây lo ngại nhưng có một số trường hợp những triệu chứng này có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe hoặc có thể khiến bạn ngất trong nhà tắm - điều này cực kỳ nguy hiểm.
Dưới đây là 3 nguyên nhân khiến bạn chóng mặt buồn nôn khi tắm cũng như cách xử lý:
1. Sử dụng nước quá nóng
Tắm nước ấm hoặc ngồi trong phòng tắm hơi nhẹ có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho tim và hệ tuần hoàn. Nhiệt làm giãn mạch máu, cho phép máu lưu thông tự do và dễ dàng hơn khắp cơ thể.
Tuy nhiên, nếu bạn tắm dưới vòi sen với nước quá nóng sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, đặc biệt khi thời tiết không quá lạnh. Để đáp lại, cơ thể bạn hoạt động để giữ nhiệt độ được điều hòa, khiến mạch máu giãn ra và nhịp tim chậm lại. Điều này có thể khiến huyết áp của bạn giảm xuống, dẫn tới tình trạng cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
Đặc biệt, những người có vấn đề về tim, thần kinh hoặc tuần hoàn có thể cảm thấy chóng mặt nghiêm trọng khi tắm nước quá nóng.
Một nghiên cứu cho thấy nước nóng làm tăng nhịp tim lên 32% và lượng máu mà tim bạn bơm theo mỗi nhịp tăng 44%. Nếu cơ thể bạn không thể chịu đựng được sự thay đổi lớn về nhịp tim hoặc huyết áp, bạn có thể bị chóng mặt hoặc thậm chí mất ý thức.
Cách xử lý
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt vì sử dụng nước quá nóng, đầu tiên bạn nên ngừng tắm và ra khỏi phòng tắm. Sau khi ra ngoài, hãy ngồi xuống một phút cho đến khi cơn chóng mặt dịu bớt và thử hít thở sâu để khắc phục những cảm giác tồi tệ này.
Để không gặp tình trạng này, bạn nên tắm bằng nước không quá nóng, tắm nước mát hơn một chút hoặc tắm ngắn hơn, bằng cách mở cửa sổ để đón một chút không khí mát mẻ vào cũng sẽ giảm nguy cơ gặp tình trạng này. Nhưng nếu vào mùa đông, bạn nên tắm ở nơi kín gió.
2. Tắm quá lâu
Đứng tắm trong thời gian dài, đặc biệt là ở nhiệt độ ấm áp, có thể gây ra ngất phế vị - một phản ứng vô hại, xảy ra do nhịp tim và huyết áp giảm đột ngột khi cơ thể bị căng thẳng. Tình trạng này thường không nguy hiểm hoặc không phải là dấu hiệu cho thấy bạn có vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Nhưng tình trạng xảy ra có thể khiến bạn ngất xỉu, có thể gây thương tích nếu bạn đang tắm.
Việc đứng lâu khiến máu dồn lại ở chân và bàn chân, điều này tạm thời làm giảm lưu lượng máu đến não. Điều đó có thể khiến bạn buồn nôn, chóng mặt hoặc choáng váng, thậm chí còn khiến bạn bị mờ mắt hoặc nhìn mờ.
Cách xử lý
Việc di chuyển chân của bạn có thể giúp giảm bớt tình trạng chóng mặt nhẹ. Nếu điều đó không hiệu quả, bạn có thể thử ngồi xuống càng sớm càng tốt và đặt đầu vào giữa hai đầu gối. Điều đó sẽ đưa nhiều máu trở lại não hơn để bạn bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn.
3. Hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu thấp dẫn đến cơ thể không đủ năng lượng cho các hoạt động bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra bất kỳ khi nào, ở đâu không chỉ khi tắm.
Những người mắc bệnh tiểu đường, cả loại 1 và loại 2 có nhiều khả năng bị hạ đường huyết khi mức đường huyết giảm xuống dưới 70 mg/dL. Nhưng vấn đề này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, đặc biệt nếu bạn đã nhịn ăn vài giờ.
Trong một số trường hợp, hạ đường huyết cũng có thể xảy ra vài giờ sau khi ăn một bữa ăn chủ yếu chứa carbohydrate tinh chế (như mì ống trắng hoặc bánh mì trắng), điều này có thể khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến và giảm nhanh chóng.
Khi bị hạ đường huyết, người bệnh sẽ cảm thấy mệt đột ngột, chóng mặt, đau đầu, lo âu, buồn nôn, chân tay nặng nề, da tái xanh, vã mồ hôi, chân tay run,...
Cách xử lý
Nếu bạn bị hạ đường huyết khi đang tắm, bạn nên ngừng tắm, lau người, mặc đồ và rời khỏi nhà tắm. Sau đó nên ăn nửa quả chuối, khoảng 120ml nước trái cây hoặc 1 thìa mật ong.
Nếu bị tiểu đường, bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu sau khi ăn 15 phút. Nếu đường huyết không tăng trên 70 mg/dL, hãy bổ sung thêm 15 gam carbohydrate.
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp khi có dấu hiệu hạ đường huyết nghiêm trọng như nói ngọng, mờ mắt, lú lẫn, mất phương hướng hoặc co giật.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nếu thỉnh thoảng bạn cảm thấy hơi chóng mặt và buồn nôn khi tắm thì có lẽ điều này không đáng lo ngại.
Nhưng nếu thường xuyên gặp tình trạng này hoặc nếu cơn chóng mặt khiến bạn ngất xỉu, bạn cũng bị yếu một bên cơ thể hoặc gặp khó khăn khi nói thì nên đến bệnh viện thăm khám ngay vì đây có thể là triệu chứng của đột quỵ.
Nếu chóng mặt kèm theo đau ngực hoặc khó thở, bạn hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp.
Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng
Cậu bé 12 tuổi ở Mỹ bất ngờ mất thị lực, đang đối mặt với nguy cơ bị mù vĩnh...
Nguyên nhân trẻ sơ sinh hay vặn mình?
Trẻ sơ sinh hay vặn mình khi ngủ là hiện tượng thường gặp. Tuy nhiên mẹ cần tìm hiểu nguyên...
Những điều thường thấy ở cha mẹ có con thành công
Thành tích trong tương lai của một đứa trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cách nuôi dạy của gia...
Những lợi ích không ngờ từ việc cho trẻ em vui chơi ngoài trời
Trong thời đại kỹ thuật số phát triển nhanh chóng hiện nay, việc trẻ em dành nhiều thời gian ở...