Một số nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị nổi mụn trên mặt

Mụn sữa 

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn sữa ở mặt là tình trạng rất dễ gặp ở các em bé mới sinh và trong khoảng 3 tuần đầu. Mụn sữa có thể xuất hiện li ti ở mặt, cổ, tay chân và lưng vài tuần đến tối đa là 3 tháng sẽ tự biến mất. 

Trẻ sơ sinh bị nổi mụn trắng trên mặt - Ảnh minh họa: Internet

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị nổi mụn ở mặt này là do thay đổi môi trường sống và các tuyến bã nhờn trên da bé đang học cách bài tiết.

Khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn trắng trên mặt, mẹ cần lau người cho bé sạch sẽ, thường xuyên, thay quần áo cho bé và không ủ bé quá nóng, chảy mồ hôi gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu sau 3 tháng mụn sữa của bé không tự biến mất hoặc mụn mọc to hơn, có mủ, mẹ cần mang bé đi khám để không nhầm lẫn với các bệnh lý viêm da.

Rôm sảy

Thời tiết ở vùng nhiệt đới rất dễ khiến da trẻ sơ sinh nổi rôm sảy. Thói quen sợ bé lạnh, sợ bé giật mình nên ủ bé quá chặt, quá nóng của các bà và các mẹ cũng khiến bé dễ lên rôm sảy ở mặt, đầu và lưng, trông như trẻ sơ sinh bị nổi mụn trên mặt. 

Thời tiết ở vùng nhiệt đới rất dễ khiến da trẻ sơ sinh nổi rôm sảy - Ảnh minh họa: Internet

Lúc này các tuyến mồ hôi của bé bị tắc khiến rôm sảy mọc lên. Mẩn đỏ do rôm sảy thường lên từng mảng đỏ và khiến bé ngứa ngáy khó chịu. Khi bé bị rôm sảy, mẹ nên thường xuyên lau người cho bé, mặc quần áo thoáng mát và không quấn khăn. 

Đặc biệt, bố mẹ cũng cần tạo không khí phòng thông thoáng, bật quạt nhẹ để không khí lưu thông. Nếu cho bé bú, mẹ không nên ăn các loại thức ăn nhiệt - nóng như: mít, nhãn, sầu riêng, vải… mà nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau xanh.

Ban hạt kê (Milia) 

Cứ 10 trẻ mới sinh thì có 4 - 5 bé bị ban hạt kê - Ảnh minh họa: Internet

Trung bình, cứ 10 trẻ mới sinh thì có 4 - 5 bé bị ban hạt kê (hay còn gọi là mụn kê). Chúng là các túi nhỏ chứa các mảng chất sừng, do các ống tuyến nằm dưới da bị tắc nghẽn gây nên. Có sự tắc nghẽn này là do da bé chưa trưởng thành. Ban hạt kê (mụn kê) là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Chúng có thể tự biến mất sau vài tuần nếu được da mặt bé được vệ sinh đúng cách. 

Lác sữa

Lác sữa còn gọi là chàm sữa, thường xuất hiện ở các bé có cơ địa dị ứng. Đây là bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở bé từ 2 tháng đến 2 tuổi. Những gia đình có cha mẹ có tiền sử dị ứng, bé sẽ dễ bị lác sữa. Lác sữa khiến da bé khô, bong tróc và nứt gây đau.

Với những bé có cơ địa dị ứng, mẹ nên tránh ăn những thực phẩm dễ gây ngứa như hải sản, bơ đậu phộng, một số loại hạt… Khi tắm, mẹ nên dùng xà bông có độ tẩy rửa dịu nhẹ, có thể dùng dung dịch sát khuẩn để lau da cho bé. 

Cho bé mặc quần áo rộng, mát. Trong một số trường hợp, bé cần được đi khám bác sĩ để có thuốc bôi chống khô da, nứt nẻ. Da bé nhạy cảm và dễ mắc những bệnh ngoài da do tác động bên ngoài, đặc biệt là vào mùa nắng nóng. Vì vậy, hãy luôn giữ cho bé một làn da khỏe mạnh, an toàn.

Dị ứng

Khi thời tiết chuyển mùa hoặc tiếp xúc với các tác nhân khác như phấn hoa, khói thuốc cũng khiến da bé ngứa ngáy và nổi mụn mẩn li ti. Một số em bé dị ứng với đạm có trong sữa bò. Dấu hiệu dễ thấy là trẻ nổi nốt mụn đỏ quanh miệng, sau đó lan ra khắp mặt.

Một số em bé dị ứng với đạm có trong sữa bò - Ảnh minh họa: Internet

Nổi mẩn do dị ứng thường không có thuốc điều trị và phòng ngừa. Mẹ chỉ có thể hạn chế cho trẻ bằng cách tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Khi biết trẻ dị ứng với loại thức ăn nào đó, mẹ cần tránh cho bé ăn. 

Không cho trẻ chà xát lên vùng da dị ứng gây trầy xước. Bên cạnh đó, khi trẻ sơ sinh nổi mẩn đỏ trên mặt do dị ứng, mẹ nên cho bé bổ sung vitamin qua thực phẩm ăn dặm hoặc qua chế độ ăn uống của mẹ khi cho con bú để tăng sức đề kháng cho bé

Mụn nhọt

Mụn nhọt ở trẻ rất dễ nhận biết do mụn xuất hiện riêng lẻ từng cái và sưng to. Một số mụn có thể bị mủ. Với trẻ sơ sinh bị nổi mụn mủ trên mặt, mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để lau vùng da bị mụn. Sau đó tắm và vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ, thoáng mát. 

Có thể bôi thuốc tím để mụn nhanh khô và sát khuẩn. Mẹ không nên tự ý nặn mụn cho trẻ. Nếu mụn lên nhiều và có mủ, mẹ cần đưa trẻ đi khám, không tự ý mua thuốc bôi có thể gây nhiễm trùng.

Mẹ không nên tự ý nặn mụn cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Mụn nhọt là do vi khuẩn nên trẻ cần được đưa đến bác sĩ và điều trị sớm. Nếu mẹ đưa trẻ đi khám sớm, việc điều trị rất đơn giản. Trong khi đó, đưa bé đi khám càng trễ, việc điều trị mụn nhọt cho trẻ càng khó khăn hơn. Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi...

Viêm da thể tạng

Có khoảng 15-20% trẻ sơ sinh bị mắc bệnh này, đây là một dạng eczema thường gặp ở trẻ từ 3-6 tháng tuổi. Các biểu hiện như nốt mụn đỏ, ngứa ngáy, da khô, một số trường hợp còn rỉ nước và các vảy kết xuất hiện. 

Hiện nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nếu cả bố mẹ mắc bệnh này thì nguy cơ ở con mắc bệnh sẽ là 50%. Ngoài ra, chế độ vệ sinh thái quá, nuôi con trong một môi trường quá sạch, quá vô khuẩn, sẽ khiến hệ miễn dịch của trẻ kém, tạo điều kiện cho bệnh viêm da. 

Bệnh viêm da thể tạng sẽ giảm dần và biến mất khi trẻ lên 3-4 tuổi, chỉ có 10% trường hợp kéo dài tới khi trẻ trưởng thành. Ngoài việc đưa cháu đi khám, bố mẹ vẫn phải vệ sinh, tắm rửa cho trẻ hàng ngày và không nên giữ gìn trẻ quá cẩn thận.

Lưu ý khi chăm sóc da trẻ sơ sinh

Da bé sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm, chỉ bằng 1/5 độ dày da người lớn nên rất dễ bị tổn thương. Hơn 90% các bệnh về da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. 

Mẹ không nên thoa kem hoặc rửa cho bé bằng những sản phẩm có chứa chất làm sạch, chất tạo bọt, hương liệu - Ảnh minh họa: Internet

Nhiều bà mẹ áp dụng phương pháp dân gian chữa mụn trên mặt sơ sinh bằng cách thoa sữa mẹ lên những nốt mụn đỏ. Đây là cách sai và nguy hiểm cho bé bởi sữa mẹ sau khi tiếp xúc với môi trường không khí rất có thể bị nhiễm trùng. Dùng sữa bôi lên mặt em bé đang bị nổi mụn rất dễ gây nhiễm trùng da dẫn đến nhiễm trùng máu.

Có thể bôi thuốc tím để mụn nhanh khô và sát khuẩn. Mẹ cần lưu ý là không nên tự ý nặn mụn cho trẻ vì khi mụn bị trầy xước sẽ dễ bị lở loét, viêm nhiễm, khiến mụn sưng, mưng mủ. Nếu phát hiện mụn lên nhiều và có mủ, mẹ cần đưa trẻ đi khám, mẹ không được tự ý mua thuốc bôi vì có thể gây nhiễm trùng.

Một điều cần lưu ý nữa là khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn ở mặt, mẹ không nên thoa kem hoặc rửa cho bé bằng những sản phẩm có chứa chất làm sạch, chất tạo bọt, hương liệu và chất bảo quản. Những chất này có thể là tác nhân gây kích ứng da, khiến tình trạng mụn nhọt trên mặt trẻ biến chứng khó lường và gây khó khăn trong việc chữa trị.

Không nên giặt chung quần áo trẻ sơ sinh với người lớn, bởi loại vi khuẩn trên đồ dùng người lớn dễ truyền nhiễm sang quần áo của bé. Có thể những loại vi khuẩn đó không có khả năng gây hại tới người lớn, nhưng lại có khả năng đe dọa cho bé yêu vì sức đề kháng của bé còn kém.

Làm mẹ là thiên chức cũng là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người phụ nữ. Vì thế, bất kỳ người mẹ nào cũng muốn mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Vì vậy, khi trẻ sơ sinh bị nổi mụn ở mặt, thay vì lo lắng thái quá, mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và chăm sóc bé khoa học nhất.