Ngày 13-12, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã cứu sống bé trai 6 tuổi, ngụ huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng bị rắn cạp nia cắn vào ngón tay trong lúc đang ngủ.

Theo bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi trên được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đến trong tình trạng suy hô hấp, không thở được phải đặt nội khí quản, sốc và yếu liệt toàn thân, tri giác kém đáp ứng.

Bệnh nhi đã hồi phục sau khi được điều trị.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé bị rắn cắn vào tay khi để tay bên ngoài giường trong lúc ngủ say.

Sau khi bé bị rắn cắn, người nhà đã lập tức đưa bé đi cấp cứu, không quên chụp ảnh lại con rắn. Nhờ đó, các bác sĩ xác định được đây là rắn cạp nia nên đã tìm được huyết thanh kháng nọc và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Nọc rắn cạp nia có chứa các độc tố hậu synape và đặc biệt độc tố tiền synape gây liệt mềm kéo dài. Hầu hết các trường hợp bị rắn cạp nia cắn sẽ bị liệt cơ dẫn tới suy hô hấp và tử vong nếu không được nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tích cực với các biện pháp cấp cứu, hồi sức, đặc biệt thở máy.

Huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu giúp bệnh nhân nhanh chóng tự thở và bỏ máy,rút ngắn đáng kể thời gian nằm viện và giảm các biến chứng. (Nguồn: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM)